Để trở thành cường quốc biển: Nghịch lý vận tải biển

10/01/2010 23:23 GMT+7

Là tổng cung nhiều mặt hàng thiết yếu cho thế giới cũng như phải nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu, máy móc thiết bị vào thị trường nội địa..., vận tải biển thực sự là "gà đẻ trứng vàng" cho nền kinh tế. Tuy nhiên, 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của VN lại chở bằng tàu nước ngoài.

Nguồn hàng khổng lồ

Hiện nay, VN xuất khẩu hơn 52 tỉ USD/năm, nhập khẩu là 61 tỉ USD. Đó là lượng hàng rất lớn. Theo Bộ GTVT dự báo, tổng lượng hàng qua cảng đến năm 2015 từ 498 - 590 triệu tấn; năm 2020 từ 870 - 1.083 triệu tấn; năm 2030 từ 1.580 - 2.100 triệu tấn. Ngoài khối lượng dự báo trên, theo Bộ GTVT, sự phát triển và khả năng hình thành đột biến của một số dự án, cơ sở công nghiệp tập trung, khu kinh tế quy mô lớn, có thể làm tăng kết quả dự báo khoảng 10-20%.

Đó là những dự báo về lượng hàng trong nước. Theo TS Nguyễn Tuấn Hoa,

Theo ông Trần Đức Minh, ngành vận tải hàng hải cần xác định mục tiêu chính là xây dựng đội tàu để ra nước ngoài khai thác thị trường quốc tế. Nên bỏ tư duy "trâu ta cày ruộng ta". Nếu chỉ mua tàu lớn để chở hàng của VN thì sẽ cầm chắc thất bại bởi ban đầu hãng tàu sẽ có lượng hàng ít vì chưa có thị phần, chạy ít chuyến, tần suất thưa thì càng không có hàng, hoạt động không hiệu quả. Nhiều nước có lượng hàng hóa xuất khẩu rất ít, như Nigeria, Hy Lạp, nhưng đội tàu của họ rất mạnh, bởi lẽ họ ra nước ngoài khai thác thay vì trông chờ vào hàng trong nước. Nếu khai thác tốt lượng hàng nước ngoài, kết hợp chở trong nước, ví dụ từ Singapore vào TP.HCM ăn hàng sau đó lại đi Nhật hoặc châu u… Khi có hàng, tăng chuyến, tăng chất lượng, các hãng tàu nội sẽ có nhiều cơ hội hơn để trở về chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Phó giám đốc Trung tâm Học tập phát triển TP.HCM, nói đến nguồn hàng, chúng ta phải tính trên bình diện khu vực chứ không chỉ trên quốc gia mình. Ở miền Bắc, nguồn hàng lớn nhất là vùng tây nam Trung Quốc, một thị trường có 320 triệu dân, diện tích lớn gấp 10 lần VN. Hàng hóa từ vùng này, nếu đi qua cảng Hải Phòng sẽ rút ngắn phân nửa quãng đường vận chuyển, tiết kiệm 50% chi phí so với đi qua Quảng Đông (Trung Quốc). Trong khi đó, nguồn hàng từ vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc VN chỉ chiếm một phần nhỏ mà thôi. Ở miền Trung, đường xuyên Á sẽ là con đường ngắn nhất để hàng hóa từ Lào, vùng đông bắc Thái Lan và một phần của Myanmar đến cảng cửa ngõ quốc tế của VN, từ đó đi các thị trường trên thế giới. Đây là luồng hàng của thị trường khoảng 60 triệu dân. Miền Nam cũng có đường xuyên Á từ TP.HCM qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia với thị trường khoảng 100 triệu dân. Như vậy có thể thấy, nguồn hàng cho ngành vận tải biển của VN là khổng lồ.

Có biển, có cảng, có nguồn hàng, có ngành công nghiệp đóng tàu, ngành vận tải biển của chúng ta có đầy đủ điều kiện để phát triển và mang nguồn lợi lớn về cho đất nước. Nghịch lý là cho đến hiện nay, 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu VN vẫn được chuyên chở bằng tàu của nước ngoài.

Năng lực đội tàu yếu

Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng VN (VNSC) phân tích, nguyên nhân lớn nhất là do đội tàu của VN còn ít, tần suất chuyến thưa, thời gian giao hàng chậm, điều kiện bảo quản hàng không tốt và giá cả kém cạnh tranh. Chính vì vậy nên nhiều chủ hàng không chọn thuê tàu VN mà thuê tàu nước ngoài. Tần suất chuyến càng nhiều thì thời gian hàng phải chờ tàu càng thấp, dẫn đến sức cạnh tranh cao. Trong khi các hãng tàu nước ngoài 1 tuần có 6 chuyến đi Mỹ thì hãng tàu của ta, 1 tháng chưa chắc đã gom đủ hàng cho 1 chuyến đi Mỹ. Chủ hàng thường phải đưa hàng sang Singapore để chuyển tải đi tiếp, chi phí cao, thời gian lâu, do đó, sức cạnh tranh của ta thấp hơn so với các hãng tàu nước ngoài.

Theo ông Ngô Khắc Lễ, Trưởng phòng Pháp chế và đối ngoại - Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu (Vietfrancht), với những đơn hàng từ vài trăm ngàn tấn trở lên, các chủ tàu VN nhiều khi không dám nhận chở vì sợ không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn, thời gian vận chuyển phải đúng hạn, yêu cầu kỹ thuật về tàu và điều kiện bảo quản hàng hóa trên tàu khó đáp ứng cho cả lô hàng lớn. Về mặt lý thuyết, các hãng tàu có thể liên kết để hỗ trợ nhau, cùng chung tay hợp tác thực hiện các hợp đồng lớn. Tuy nhiên, thực tế ở VN việc hợp tác nhóm lại không dễ dàng và nếu không làm như vậy, từng công ty riêng khó có thể thắng thầu vận chuyển cho cả lô hàng lớn.

Ông Khuất Văn Liêm, nguyên Phó phòng Vận tải và dịch vụ hàng hóa, Cục Hàng hải nhìn nhận, vận tải biển của chúng ta chưa vươn ra được "biển lớn" trước hết là vì ta chưa có cảng lớn, tàu lớn. Để vận chuyển hàng đi xa thì phải sử dụng tàu lớn nhưng để tàu lớn vào nhận hàng được thì cần phải có cảng lớn. Những yếu tố này liên quan với nhau. Nhưng ngay cả khi đã có cảng lớn và tàu lớn rồi thì cũng chưa chắc đã "vươn ra biển lớn được", vì đó chỉ là điều kiện thứ nhất. Khi đã có đủ điều kiện thứ nhất thì các doanh nghiệp, các chủ tàu còn phải bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tàu hàng nước ngoài. Đây cũng là một khó khăn trở ngại lớn, vì các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực mạnh về tài chính lại nhiều kinh nghiệm và có nhiều bạn hàng truyền thống. Để giành lại hợp đồng vận chuyển từ các hãng của nước ngoài hoàn toàn không dễ dàng chút nào.

M.Vọng - K.T.Long - X.Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.