Bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ quán bánh xèo ngay giữa thôn 4, xả nước từ vòi vào thau nhựa trắng để rửa rau, dòng nước đục ngầu như đánh cùng bùn đỏ. Bà giải thích, nước được bơm vào bể chứa 3 ngày để lắng cặn rồi mới đem ra dùng mà vẫn đục, dù có lọc đủ cách vẫn không trong được. Nhà bà Ngọc cùng gần chục hộ khác đều dùng nước giếng nhà bà Ngô Thị Hiền bên cạnh. Đây là giếng được xem là "trong" nhất của xóm mà nước vẫn có màu như... đất.
Thôn 4 có 207 nóc nhà, với hơn 1.000 nhân khẩu, quần tụ cạnh dòng sông Krông Ana hiền hòa. Khúc sông trước mặt thôn trước đây vốn đẹp và thanh bình, nay trở thành bãi chiến trường nham nhở, ầm ĩ bởi hàng trăm tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Ông Ngô Hồng Bạch, trưởng thôn, cho biết: những năm 1990 trở về trước, do nguồn nước giếng bị đục, người dân trong thôn chủ yếu dùng nước sông để sinh hoạt. Nhưng rồi dòng sông bị nạn khai thác cát, rác rưởi từ thượng nguồn đổ về làm ô nhiễm, bà con phải quay trở lại với nước giếng. Giếng đào nước không trong, nhiều hộ thuê làm giếng khoan nhưng hầu hết nước ngầm bơm lên cũng đục ngầu. Gần đây, bà con ngồi "kiểm" lại thì thấy chưa đầy 10 năm qua, có đến 19 người trong thôn qua đời vì bệnh ung thư. Hiện còn 4 người đang phải vật vã chữa chạy căn bệnh nan y này.
Ông Bạch kể, lo lắng trước tình hình sức khỏe của người dân, cuối năm 2009, thôn 4 đã đề nghị các cơ quan chức năng kiểm nghiệm thì mới biết một số nguồn nước nơi đây bị nhiễm chất độc hại. Trong 10 mẫu nước giếng đưa đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thì có 2 mẫu ở nhà ông Hà Ngọc Long và ông Lê Văn Huân bị nhiễm chất nitrat cao gần 2 lần mức cho phép, không thể sử dụng để ăn uống. Ông Long thì đang rất lo, vì cả nhà đã sử dụng giếng bị nhiễm nitrat hơn 15 năm nay. Phòng Tài nguyên - Môi trường H.Krông Bông cũng đã gửi khuyến cáo không nên dùng nước giếng này nữa vì nitrat được khoa học đánh giá là khi kết hợp với các chất khác trong cơ thể con người sẽ tạo ra nitrozamin, chất gây ung thư. "Cả thôn có hơn 100 giếng nhưng mới kiểm nghiệm được 10 giếng. Vì vậy, mong các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm nghiệm số giếng còn lại cho bà con để biết giếng nào bị nhiễm độc mà tránh sử dụng", ông Long nói.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lơn, Chủ tịch UBND xã Yang Reh, nhìn nhận tình trạng nước giếng đào và giếng khoan ở thôn 4 bị ô nhiễm là do cấu tạo địa chất trong vùng; ở các thôn khác không có hiện tượng này. Việc nhiều người dân thôn 4 bị bệnh ung thư là khá bất thường, nhưng mãi gần đây xã mới biết kết quả kiểm nghiệm ở một số giếng nhiễm chất có thể gây ung thư. Mới đây, xã nhận được thông báo của tỉnh về chủ trương đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt trên địa bàn H.Krông Bông (trong đó có xã Yang Reh) từ nguồn vốn Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, thông báo này lại không nói rõ sẽ đầu tư vào thời gian nào.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)