Bắt buộc tùy đối tượng học sinh
Trước nhiều ý kiến không đồng tình về dự kiến bỏ việc bắt buộc thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Qua các góp ý của các đại biểu, Bộ sẽ bàn lại theo hướng vẫn bắt buộc thi nhưng diện được chọn có thể hướng dẫn rộng hơn để không gây thiệt thòi cho các em”.
Theo đại diện của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng tính đến phương án sẽ không quy định “cứng” bắt buộc thi ngoại ngữ đối với mọi đối tượng học sinh trên cả nước. Dự kiến, những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện được học ngoại ngữ như học sinh ở vùng thuận lợi thì môn ngoại ngữ sẽ được thi bằng môn thay thế. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng học sinh nào thực sự thuộc diện khó khăn về điều kiện và thời gian học ngoại ngữ cần phải hết sức thận trọng và kỹ càng.
Đề thi ĐH-CĐ chủ yếu là chương trình lớp 12 Vũ Thơ |
Bộ trưởng Nhân giải thích: “Ai cũng biết ngoại ngữ là quan trọng. Thí sinh tốt nghiệp phổ thông phải đạt một điểm sàn nhất định. Nhưng hiện nay, nhiều vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, dạy ngoại ngữ chưa đạt sàn mà bắt thi đạt sàn thì cũng chưa hợp lý”.
Băn khoăn nộp hồ sơ tại trường
Bộ GD-ĐT dự kiến, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường. Nhiều đại biểu từ ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội... tỏ ra băn khoăn trước đề xuất này vì cho rằng: Nếu nộp tại trường sẽ không khách quan, xảy ra tiêu cực vì chỉ có bộ phận quản lý hồ sơ mới biết được số lượng hồ sơ nhận và ngành nào thừa, ngành nào thiếu, thông tin sẽ bị rò rỉ. Khi không còn dấu đỏ của bưu điện làm mốc thì bộ phận tuyển sinh dễ dàng điều chỉnh và thanh tra sẽ khó phát hiện. Do vậy, đề nghị Bộ nên giữ nguyên cách nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện, thư bảo đảm như trước đây.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: Cũng như NV1, NV2 và NV3 cũng phải được xét tuyển theo nguyên tắc “điểm từ cao xuống thấp” chứ không hề theo nguyên tắc “nộp trước, xét trước”. Việc buộc thí sinh phải nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 qua đường bưu điện có lẽ phần nào để tránh tiết lộ thông tin ngành nào có nhiều, ngành nào có ít hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các trường ĐH-CĐ ngoài công lập thường không nhận đủ hồ sơ xét tuyển nên có một số trường “nóng ruột” thông báo thí sinh nào nộp trước sẽ được xét trúng tuyển trước, thậm chí có trường công nhận trúng tuyển và thu học phí ngay khi thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2. TS Nghĩa đề xuất: Điều quan trọng nhất là giữ vững nguyên tắc xét tuyển theo điểm từ cao xuống thấp và các trường ĐH-CĐ phải tuyệt đối tuân thủ quy định này, không thể chấp nhận thí sinh điểm cao hơn (dù vẫn trong thời gian quy định) lại bị rớt do nộp hồ sơ sau thí sinh có điểm thấp hơn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu quan điểm: “Nên lấy nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh để giải quyết, không nên quy định cứng nhắc chỉ được nộp hồ sơ qua đường bưu điện. Những thí sinh nhà rất gần trường nhưng phải đi đường vòng để nộp hồ sơ và lệ phí qua đường bưu điện sẽ không tiện cho thí sinh, chưa kể đến việc thất lạc hồ sơ... Còn những tiêu cực có thể phát sinh, Bộ sẽ có quy định cụ thể trong việc tiếp nhận hồ sơ”.
Tuệ Nguyễn - Nhựt Quang
Bình luận (0)