Sống tạm tại “phố Vinaconex 2”

11/01/2010 20:00 GMT+7

Hàng trăm hộ dân ở khu chung cư Trung Văn đang trải qua cuộc sống tạm bợ khi dòng điện sinh hoạt luôn trong tình trạng phập phù và không có nước sạch.

Chung cư nằm trong ngõ 47 đường Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xét về địa lý, khu nhà này có vị trí khá thuận lợi, gần với đường Phùng Khoang, Nguyễn Trãi. Đường vừa to, vừa rộng ô tô có thể thoải mái đi lại trong các dãy nhà.

Giá trị mỗi căn hộ ngót nghét tỉ đồng, tính theo thời giá hiện tại. Khổ nỗi, nhánh đường dẫn vào khu nhà vẫn chưa trải nhựa. Trời mưa xuống, người dân phải cài số thấp, nhấn ga cho xe máy vọt qua quãng đường lầy lội để về nhà.

Dọn về nhà M6 từ năm 2006, suốt ba năm qua, gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổ phó Tổ dân phố lâm thời Vinaconex 2 vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan sinh hoạt. Đồ gia dụng thường xuyên bị cáu bẩn, có màu vàng.

Vì lo ngại hàm lượng sắt quá cao nên riêng ăn, uống là gia đình ông dùng nước tinh khiết mua theo bình. Cẩn thận hơn, riêng nước dùng rửa rau vợ ông phải thau lọc qua bình lọc trước khi sử dụng và cũng chỉ hai ngày là phải vệ sinh bộ lọc.

Khu nhà với hơn trăm hộ dân định cư từ nhiều năm nay, ngoại trừ đảng viên là có chỗ sinh hoạt do được ghép chung với những khu nhà xung quanh; ngoài ra chưa có bất kỳ hội, đoàn thể nào được thành lập. Tổ dân phố đương nhiệm cũng đang ở tình thế “lâm thời” do chưa tổ chức bầu cử Tổ trưởng.

Còn cái tên “Tổ dân phố Vinaconex 2” bây giờ gọi mãi thì thành quen. “Ngày trước không có tên rõ ràng, nhiều hộ gia đình phàn nàn vì không bao giờ nhận được công văn, giấy tờ nếu gửi qua đường bưu điện. Nhân viên bưu cục cũng chẳng biết đây là đâu. Từ khi có tên gọi như thế (Tổ dân phố Vinaconex 2 - PV) thì không thấy bị mất bưu phẩm nữa”, ông Dũng cho biết.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, sau vụ cháy máy biến áp hồi tháng 7 vừa qua, Điện lực Từ Liêm lấy điện từ máy biến áp trong khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai đấu nối cho khu chung cư Trung Văn. Có lẽ do quá tải nên tình trạng điện lưới phập phù, lúc có lúc không xảy ra như cơm bữa.

Ngoài chuyện đi lại theo cầu thang bộ từ tầng 9, 10 xuống đất, người dân luôn lưu sẵn vài số điện thoại của ban quản lý vào danh bạ đề phòng lúc kẹt thang máy. “Cách đây vài tháng, ông xã mình bị kẹt trong thang máy 15 phút suýt nữa thì ngạt thở. May quá, có người đi ngang qua, gọi giúp ban quản lý giải thoát kịp thời”, chị Trịnh Như Mai kể lại.

Một người dân không muốn nêu tên ở phòng 902, nhà G cũng xác nhận, có vài lần bị “treo lơ lửng” trong thang máy khi đột ngột mất điện nên không bao giờ chị dám sử dụng thang máy nếu sơ ý không cầm theo điện thoại di động.

Chưa hết. Ở khu nhà G, tường mốc xanh rêu khiến người ta khó có thể nhận ra đây là một khu chung cư sử dụng chưa đến 10 năm. Dãy nhà H bên cạnh cũng tồi tàn không kém khi nền gạch ở hành lang, cạnh cầu thang máy phồng rộp, cong vênh cả mảng.

Ở tầng số 9, gạch bong vỡ xuất hiện khá nhiều trên mặt sàn, người dân phải dùng bao tải che chắn lại đề phòng trẻ em sa chân vào đám gạch vỡ. “Không chịu nổi điều kiện sống tương đối khắc nghiệt ở khu chung cư này nên tháng nào cũng có người dân chuyển hoặc bán nhà đi nơi khác”, ông Dũng nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên về tiến độ sửa chữa máy biến áp ở khu chung cư Trung Văn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc kinh doanh Điện lực Từ Liêm cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang đặt mua máy biến áp loại 400 KVA cho khu chung cư này. Từ nay tới trước Tết Canh Dần sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng”.

Về phía ban quản lý chung cư, nhân viên Nguyễn Văn Sa cũng cho hay: "Cố gắng trong quý I.2010, bà con sẽ được sử dụng nước sạch sông Đà".

   Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.