Cao nguyên đá những ngày sương tuyết

16/01/2010 11:19 GMT+7

(TNTT>) Những ngày này ở cao nguyên đá Hà Giang, cực bắc tổ quốc, cái rét đang là chủ đề thời sự. Trong bốn ngày qua, nhiệt độ có khi xuống còn 60C. Một cái rét được dự báo là “rét đậm, rét hại” sẽ kéo dài. Dịp này, CTV Thanh Niên Thể Thao & Giải Trí đã ngược lên vùng núi đá chờ chụp ảnh tuyết rơi và xem bí quyết “sống chung với rét” của đồng bào là như thế nào...

Mịt mù sương tuyết

Mới đầu dịp rét, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Lưu Sần Vạn đã điện thoại: “Này, truyền hình trung ương vừa thông báo có đợt rét kéo dài đấy, dự báo có tuyết, lên đây canh tuyết đi!”. Tôi từng nhiều lần lên vùng cao nguyên đá để “rình” chụp tuyết bay nhưng chưa một lần thành công. Thế là xách máy ảnh, lập tức lên đường...

Phóng xe ào ào từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn đúng 140km, rét mướt mịt mù, cóng hết tay chân. Theo chân Vàng Mí Chơ về xóm Sà Phìn để xem cách nhà anh chống rét, Chơ bảo: “Mày cởi áo ra cho đỡ nặng, trèo dốc mới khỏe!”. Nghe mà “rét” thêm! Hai đầu gối tôi cứ cọ vào nhau. Chơ nhét vào tay tôi bình tông rượu: “Mày uống đi cho đỡ rét, cho cái bụng mày nó nóng lên”. Cha mẹ ơi, làm xong hớp rượu, thấy cái rét càng đến nhiều, cái chân bước không nổi. Chiếc nhiệt kế trên tay tôi chỉ 60C, trời vẫn mù như đi trong mây, trong sương vậy. Thỉnh thoảng, một cơn gió lại cuốn lên, mang đụn sương ném vào vách núi.

 
Sương tuyết giăng mịt mù cao nguyên    

Bỗng anh Hùng, Phó văn phòng ủy ban huyện Mèo Vạc, lại gọi: “Này, anh ở đâu đấy, cái chỗ Sủng Máng với Lũng Phìn hình như có tuyết đấy, đi đi!”. Tôi lại nhao đi, cho con xe “khủng” chạy hết cỡ theo con đường tắt từ Đồng Văn sang Lũng Phìn, đoạn đường trên 20km thấp thỏm hy vọng. Nhưng tất cả chỉ là sương mù trắng sà xuống đậm đặc từng vạt đá, trông xa xa thì đúng là tuyết bay thật, nhưng đến gần không phải. Cái rét cứ luồn từ đá vào ống quần, rồi cắn nhoay nhoáy trên vành tai, giật hai thái dương đỏ tím lại.

Xây nhà trình tường “nấp” trong núi đá

Ông Vàng A Rốm, Bí thư xã Sủng Máng bảo: “Đợt rét này còn dài!”. Nhưng anh “khoe” đồng bào trên này quen rồi, những con vật nuôi ở đây cũng quen rồi, nó biết nằm vào hốc đá để tránh gió, tránh sương thôi. Để chống rét, người dân tộc ở đây phải đội khăn, lấy bông hay mảnh vải nút kỹ hai tai khi trèo núi, leo đá... Có một điều khó ai tin: Họ thường xuyên uống rượu để chống rét. Trong mùa rét dài, hầu như người Mông trên cao nguyên đá không uống nước bao giờ...

Ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn, kể đồng bào sống trên cao nguyên đá này “có 1.001 kiểu chống rét”. Chẳng hạn, đào nền nhà thấp xuống hoặc xây nhà trình tường thật dày. Hay như xếp bờ rào đá xung quanh nhà cao lút mái, nếu có nhiều cây ngô, bẹ ngô để làm ổ nằm càng dày thì càng tốt. Đặc biệt là cánh cửa đi, cửa càng nhỏ, nhà càng thấp, mùa đông càng đỡ rét, mùa hè càng đỡ nóng, gió lốc không bị đổ, bị bay.

Nhà của Vàng Mí Chơ chìm sâu vào đá. Chơ kéo cho tôi một cái đệm làm bằng bẹ ngô để ngồi. Nó cũng đen như đá và đất ở nền nhà. Gian nhà chính chỉ lớn bằng khoảng ba cái giường; hai gian kia là hai cái ổ làm bằng cây ngô và bẹ quả ngô, mấy cái chiếu, vài cái chăn bông nhưng rách te tua. Thấy tôi nhìn, Vàng Mí Chơ bảo: “Nằm trên cái phản lạnh lắm, tao mang ra đầu nhà che cho con lợn rồi, bây giờ con lợn nó rét, nó chạy cho đỡ rét, tối nó mới về...”.

Chung sống với rét kiểu… đồng bào

Ông Giàng Văn Quẩy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cũng là người Mông và sinh ra và lớn lên trên vùng đá này. Ông Quẩy chia sẻ: “Lúc nhỏ, ở quê rét thế chứ rét nữa rồi nó cũng quen đi, cởi truồng, mặc mỗi manh áo cũng chẳng biết rét là gì!”. Ông Quẩy chỉ cho chúng tôi xem những đứa cháu chỉ mới ba bốn tuổi, trong lúc trời mưa cuối năm, rét đến cắt da, cắt thịt. Thấy chúng đầu trần chạy ra chơi trên bờ ruộng, bờ nương, mặc áo không cúc, chân không dép và mang một cái bụng đen nhẻm, tròn vo... Chơi chán ngoài mưa, ngoài gió, chúng chạy về, đầu tóc ướt bết vào nhau, đứng lắc lắc cái đầu để rũ nước rồi xà vào cạnh bếp... Đúng là “trời sinh, trời dưỡng” thật!

 

Cõng cây ngô về chống rét

Mùa đông trên cao nguyên đá có những đợt rét xuống dưới 00. Nhưng không phải năm nào cũng có tuyết. Còn sương mù thì khủng khiếp, ướt hết quần áo, cách hai mét không nhìn rõ nhau, ngồi trong xe con mà vô tình chạm tay vào cửa kính phải rụt vội lại...

Tôi sẽ nằm đây phục kích tuyết nhưng có chăn bông siêu nhẹ, siêu ấm. Còn đồng bào tôi thì đã có những chiếc nhà nép vào sườn đá mà cõng cả mùa đông lưng núi. Rồi mỗi đêm, tôi cứ tự nhẩm lòng: “Mình đi săn tuyết, đi săn mùa đông…”.

Nguyễn Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.