* Có người nghĩ anh chị “ra riêng” vì giận hờn với sân khấu nào đó dù đã cộng tác rất lâu?
- Ái Như: Không phải. Chúng tôi chỉ thấy mệt mỏi từ năm 2008, sau vở Hồn Trương Ba da hàng thịt. Tự nhiên muốn nghỉ ngơi. Cho đến đầu năm 2009 mới nhận lời 5B dựng vở Cho em 150 phút phiêu lưu, rồi cũng thấy mệt mỏi, nghỉ luôn đến tháng 7. Khi ấy, Công ty Xuân Hương mời hợp tác xây dựng sân khấu tại Nhà thiếu nhi Q.10, chúng tôi đồng ý làm. Rốt cuộc trở ngại về thủ tục nên thôi. Tháng 9, thấy Nhà thiếu nhi TP.HCM sửa chữa lại, tôi đến hỏi thử, được hoan nghênh. Thế là bộ ba: tôi - anh Hội - Công ty Xuân Hương bèn hùn vốn gầy dựng sân khấu tại đây. Thật ra ý tưởng về một sân khấu riêng của mình đã có từ nhiều năm trước nhưng mọi việc cứ trôi đi, bây giờ tự nhiên đến một cách nhanh chóng. Nói theo nhà Phật, đủ duyên thì thành.
Ngày 30 và 31.1 sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ ra mắt vở Trần gian phải có tình yêu và Mua bảo hiểm tình; đến tháng 3 sẽ giới thiệu vở Đèn không hắt bóng, và tháng 5 mới là kịch thiếu nhi. |
* Anh chị là một liên danh uy tín từ nhiều năm qua, nhưng bước sang lĩnh vực quản lý chắc không đơn giản?
- Thành Hội: Đúng vậy, cực quá trời quá đất. Cực hơn mình làm cho người ta nhiều lắm. Nhưng có cái vui là mình được làm theo ý mình. Niềm vui phải có giá chứ, như muốn có con thì phải… có chửa!
* Anh lại hài hước nữa rồi. Nhưng kịch của anh và chị Như chắc không phải hài, mà là dạng nghiêm túc? Nghe nói Công ty Xuân Hương cũng chấp nhận không tính lời lỗ trong giai đoạn đầu?
- Ái Như: Chúng tôi chọn mảng tâm lý xã hội, tình cảm. Dĩ nhiên có hài chút chút cho nhẹ nhàng nhưng chủ đạo vẫn là tử tế. Phương châm là làm sao cho khán giả “yên tâm” khi mua vé. Tôi nhấn mạnh chữ “yên tâm”, cố gắng không đưa vào kịch bản những hành động, câu nói dễ dãi, ảnh hưởng tới khán giả, nhất là lớp trẻ.
- Thành Hội: Và làm sao để khán giả tìm thấy mình trong đó. Họ bỏ tiền ra xem nhưng chẳng rút kinh nghiệm gì cho bản thân thì họ chán ngay. Thật ra, chúng tôi không mong có lãi liền bây giờ, vì đường nghệ thuật còn dài lắm, mình cứ làm tử tế trước đã. Nếu xem nặng đồng tiền thì chắc mình đi làm việc khác rồi chứ không “đeo bám” sân khấu đến mức này.
* Anh chị muốn tạo điều kiện làm nghề cho học trò của mình ở trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM. Nhưng liệu có bảo đảm doanh thu không khi họ chưa có tên tuổi?
- Thành Hội: Không, chúng tôi xen lẫn ngôi sao vào chứ. Chẳng hạn Kim Xuân, Tuyết Thu, Hồng Ánh, Trương Minh Quốc Thái, Trung Dũng, Kim Huyền, Kim Khánh, Trí Quang, Thiện Hùng… Đào tạo các em trẻ cũng cần thời gian, phải cho đứng chung với đàn anh, đàn chị để học hỏi thêm.
* Nhưng các tên tuổi ấy đều có sân khấu quen thuộc của họ từ lâu, liệu có ảnh hưởng tới lịch diễn sau này?
- Ái Như: Tôi tổ chức rất rõ ràng ngay từ đầu. Mỗi vở đều có hai ê-kíp diễn viên, cùng lên sàn tập, cùng nắm vững kịch bản, và diễn xen kẽ nhau. Nếu người này bận sẽ có người khác thay thế ngay, không bị động, cũng không xảy ra giận hờn. Tránh tình trạng khi thay vai thì tập sơ sài một bữa, diễn kém chất lượng khiến khán giả bực mình.
Hoàng Kim (thực hiện)
Bình luận (0)