Quen nhau chưa được bao lâu, H. nói với cha mẹ cậy mai mối sang Thạnh An hỏi cưới H. Thế là lần lượt đám hỏi, đám cưới được nhà gái tổ chức linh đình, cô dâu 16 tuổi lên xe hoa về nhà chồng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ chính quyền địa phương.
Giải quyết “hậu quả”
Sau đám cưới của H. ít lâu, xã Thạnh An lại xôn xao trước việc cô N.T.Th, cũng vừa 16 tuổi, cất bước theo chồng.
Tiếp đến, N.T.K.Ch, H.T.M.Th, P.T.Tr ..., lần lượt lấy chồng khi mới 15-16 tuổi.
Chỉ tính riêng ở ấp 4, xã Thạnh An, theo trưởng ấp Phan Văn Hội, gần đây có ít nhất 10 cô gái lấy chồng ở tuổi 15-16.
“Có nhà lần lượt gả hai cô con gái lấy chồng ở tuổi 15. Nhiều bậc cha mẹ ở đây coi đó là việc bình thường, bởi họ sợ con gái lớn lên mà không ai hỏi cưới là bất hạnh” – ông Hội cho biết.
Ở Thạnh An, người dân vẫn kháo nhau về những cuộc hôn nhân xuất phát từ... bàn nhậu!
Cách nay không lâu, khi đang nhậu với ông S., bạn thân ở cùng xã, ông N.T.X đã cao hứng hứa gả cô con gái N.T.M mới 15 tuổi của mình cho con trai của “chiến hữu”, gọi là “tình thương mến thương”. Tưởng đâu vô vài ly nói cho sướng miệng, không ngờ hai bên gả con cho nhau thật.
Tuy nhiên, mới gả M. được vài tháng nhưng ông X. đã phải nhiều phen sang nhà “anh sui chiến hữu” để giải quyết việc hai đứa trẻ hết cãi vã lại đánh nhau.
“Mới đây, ông X. phải đón con gái về nhà chuẩn bị sinh nở, còn chàng rể thì vô tư chơi bời như còn độc thân vậy” - một người dân Thạnh An cho biết.
Không ít trường hợp tảo hôn ở Thạnh An là để giải quyết “hậu quả” sau khi lỡ “ăn cơm trước kẻng”.
Ông Lê Văn Hai, một người dân ở Thạnh An, kể: “Có gia đình phát hiện con gái lỡ ăn nằm với bạn trai liền đưa con đi gởi nơi khác để cách ly. Tuy nhiên, cô ta cứ bỏ trốn theo bạn trai. Cuối cùng, con gái mang thai, gia đình đành vội vã thu xếp bằng cách gả cô ta cho cậu bạn trai đó”.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Sơn có cô con gái mới bước qua tuổi 16 yêu một cậu con trai cùng xóm. Cấm cản, răn đe mãi vẫn không hiệu quả, cô gái cứ bỏ sang nhà người yêu ở.
Lo sợ “hậu quả” xảy ra bà con hàng xóm chê cười, ông Sơn đành bàn với nhà trai lo cho hai cô cậu sớm cưới nhau.
Theo một cán bộ Hội LHPN xã Thạnh An, chuyện tảo hôn vẫn còn phổ biến ở đây là do người dân thiếu hợp tác với chính quyền địa phương. Có trường hợp phát hiện kịp, lực lượng chức năng đến nhà phân tích, động viên và gia đình đã hứa không cưới gả nữa. Tuy nhiên, vài hôm sau, gia đình hai bên vẫn tổ chức đám cưới cho con.
Lại có trường hợp thiệp mời đám cưới ghi tên cô dâu là người chị trong nhà đã đủ tuổi. Đến khi cô dâu vị thành niên mang thai, sinh con, cơ quan chức năng mới biết thì mọi chuyện đã rồi. Chính quyền địa phương cử người đến lập biên bản, xử phạt 200.000 đồng, xem như đã xong trách nhiệm.
Cán bộ “chữa cháy”
Đến nhiều nơi ở Long An tìm hiểu nạn tảo hôn, chúng tôi chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. Lỡ để các cô gái vị thành niên lấy chồng, cán bộ dân số ở xã, ấp “chữa cháy” bằng cách thường xuyên đến thuyết phục họ... khoan mang thai!
Có nơi, cán bộ dân số còn đến tận nhà đưa thuốc ngừa thai cho những cô vợ ăn chưa no, lo chưa tới này.
Chị Trần Thị Vũ, cán bộ dân số ở thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, ngán ngẩm: “Tối ngày tôi cứ tất bật với chuyện đưa thuốc ngừa thai cho những cô vợ con nít như thế”.
Cách nay không lâu, một thống kê dân số ở Đức Huệ cho thấy tất cả 11 xã, thị trấn ở huyện này đều có nạn tảo hôn. Trong đó, 32 cô gái lấy chồng khi chưa đủ tuổi thành niên, 57 bà mẹ tuổi 15-17 đã sinh con...
Cũng ở Đức Huệ, có gia đình cả ba thế hệ đều lấy chồng ở tuổi 15, như gia đình bà Võ Thị Kiều ở khu vực 6, thị trấn Đông Thành. Mẹ bà rồi đến bà đều lấy chồng khi mới 15 tuổi.
Bà Kiều có 3 cô con gái và cũng đã gả chồng cho con khi họ chỉ 14-15 tuổi. “Con gái còn nhỏ mà gả chồng là vi phạm pháp luật hả? Tôi chỉ biết sinh ra, nuôi lớn, ai hỏi chúng mà thấy được là gả” – bà Kiều thản nhiên.
Thiếu hiểu biết pháp luật đã đành, nghèo khó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn.
Chồng chết sớm, bà Kiều phải nuôi 8 con nên thường xuyên thiếu đói. Trong số 8 người con này, chỉ có cô con gái út được đi học. Cả gia đình bà đều sống bằng nghề bán vé số dạo. “Gả con lấy chồng sớm cũng là cách cắt giảm bớt miệng ăn trong nhà” – bà Kiều bộc bạch.
Sợ ảnh hưởng thành tích và... “nhân đạo” Theo một cán bộ Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Long An, hầu như huyện, thị nào ở tỉnh này cũng tồn tại nạn tảo hôn. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị. Chính quyền cơ sở còn e dè trong việc thống kê, báo cáo đầy đủ do sợ ảnh hưởng đến thành tích, không được công nhận ấp, xã hoặc phường văn hóa. Ngoài ra, cũng theo cán bộ này, việc chính quyền địa phương làm ngơ trước những trường hợp tảo hôn là vì không muốn xảy ra cảnh người chồng đi tù bỏ lại cô vợ trẻ con, càng bi kịch hơn nếu họ đã có con nhỏ. Mới đây, khi xử một vụ án giao cấu với trẻ em, TAND huyện Cần Giuộc đã gặp cảnh cô vợ, người bị hại trong vụ án, van xin tha tội cho bị cáo, tức chồng mình. Cuối cùng, HĐXX đã đưa ra một phán quyết “đề huề” : Phạt người chồng 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 3 năm thử thách. |
Bài và ảnh: Hoàng Hùng/NLĐ
Bình luận (0)