Chết oan trong nhà tù Mỹ

17/01/2010 22:54 GMT+7

Nhiều người đã chết tức tưởi trong các trại giam dành cho dân nhập cư ở Mỹ vì bị hành hạ và không được chăm sóc y tế.

Cách đây 1 tuần, tờ New York Times đăng tải nhiều bài viết tiết lộ một thực trạng bị che giấu trong thời gian dài. Mỗi ngày, Cơ quan Di trú và Hải quan (ICE) bắt giữ hơn 30.000 người nhập cư vì nhiều lý do như nhập cảnh bất hợp pháp hoặc cư trú quá hạn visa, theo số liệu từ văn phòng Mỹ của Tổ chức n xá quốc tế (AIU). Những người này bị giam trong nhiều nhà tù khác nhau trên khắp đất nước với điều kiện hết sức tồi tệ trong lúc chính quyền cố trục xuất họ. Thậm chí theo một bài báo đăng ngày 4.1 trên tuần báo The Nation, nhiều người bị giam tại nhiều cơ sở bí mật, không nằm trong danh sách đăng ký của ICE.

Cuối năm 2009,  New York Times đã thu thập được nhiều tài liệu nhờ Đạo luật tự do thông tin cho thấy từ năm 2003 đến nay, đã có hơn 100 cái chết trong các trại giam của ICE. Trong một cuộc hội thảo với ngành cảnh sát tại thủ đô Washington vào tháng 8.2008, một quan chức cấp cao của ICE khi đó là James Pendegraph thậm chí còn tuyên bố: "Nếu các anh không có bằng chứng để truy tố một người các anh nghĩ là tội phạm, chúng tôi có thể khiến người đó biến mất", theo AIU.

Những cái chết thương tâm

"Nếu các anh không có bằng chứng để truy tố một người các anh nghĩ là tội phạm, chúng tôi có thể khiến người đó biến mất".

JAMES PENDEGRAPH
, cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ
Miguel Rodriguez Gonzales, gốc Mexico, đã sống nhiều năm tại bang California cho tới khi bị bắt vào tháng 2.2006 vì vi phạm một số quy định di trú. Khi đó ông 43 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối, tiểu đường, đau tim và phải đi thẩm tách chất độc tại bệnh viện 3 lần mỗi tuần. Các hồ sơ ghi lại rằng Gonzales bị ngã ít nhất 5 lần trong 10 ngày đầu trong trại giam San Pedro. Tới tháng 3.2006, ông không thể tự tắm rửa và vì "lý do vệ sinh", ông bị tống vào phòng biệt giam. Vào ngày 10.4.2006, sau khi 2 nhân viên của ICE mang Gonzales về lại trại giam sau một đợt thẩm tách, ông kể với một giám sát viên rằng họ bắt ông đứng khỏi xe lăn, cười cợt khi ông liên tục ngã quỵ và khăng khăng rằng ông có thể tự đi. "Gonzales hỏi tại sao lại đối xử với ông như vậy", giám sát viên nói trên viết lại trong tường trình, "Họ lôi ông ta dậy và nhét vào xe một cách thô bạo. Một nhân viên còn đạp ông ta". Vụ bạo hành được báo cáo lên ICE nhưng khi điều tra viên tới phỏng vấn Gonzales, ông đã bị hôn mê sâu. Không còn nhân chứng nào khác, Bộ Tư pháp và văn phòng công tố địa phương đã đình chỉ vụ án. Gonzales qua đời vào cuối tháng 4 và cuộc điều tra khép lại.

Những cáo buộc trên rất giống với trường hợp của Jason Ng, một kỹ sư tin học gốc Hoa. Ông Ng chết hồi tháng 4.2008 trong một trại giam tại bang Rhode Island với xương sống bị gãy, tế bào ung thư lan khắp người. Kể từ khi bị giam tại đây từ năm 2007 vì cư trú quá hạn visa, ông đã nhiều lần van xin được chữa trị nhưng các nhân viên quản giáo cho rằng ông đóng kịch, theo New York Times. Các đoạn băng an ninh cho thấy, một tuần trước khi chết, nạn nhân bị các quản giáo lôi xềnh xệch dưới sàn.

Chính quyền bưng bít

Hồi tháng 2.2007, New York Times đã cố tìm hiểu về tin một thợ may người CH Guinea tên là Boubacar Bah bị chấn thương đầu trong trại giam người nhập cư tại thành phố Newark, bang New Jersey. Ông Bah, 52 tuổi, bị còng tay, lôi vào phòng biệt giam và bị bỏ mặc hơn 13 tiếng đồng hồ trước khi xe cấp cứu đến. Phát ngôn viên Michael Gilhooly của ICE khi đó nói ông không biết gì về trường hợp này nhưng ngay lập tức báo động với cấp trên. Một cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức giữa 10 viên chức tại Washington và Newark. Các cuộc ghi âm và biên bản cho thấy họ chủ yếu bàn về việc làm cách nào để khỏi phải chịu chi phí chữa trị tốn kém cho ông Bah và tránh sự chú ý của dư luận. Trong lúc các vị quan chức vẫn đang "tính kế" thì ông Bah đã qua đời vào tháng 5.2007. Một trong những người tham gia cuộc họp khi đó là bà Nina Dozoretz, người từng được khen thưởng nhờ cắt giảm chi phí chăm sóc y tế cho người nhập cư bị giam giữ. Khi được hỏi hồi đầu năm nay về cuộc họp cách đây hơn 2 năm, bà Dozoretz trả lời: "Đã bao nhiêu lâu rồi nhỉ? Tôi không nhớ gì cả". Thật ra, chỉ một ngày sau cái chết của ông Bah, ICE đã bỏ tiền chuyển ngay thi thể ông về Guinea để an táng nhằm ngăn gia đình ông tới Mỹ và thu hút các phóng viên.

Hồi tháng 4.2007, một phát ngôn viên khác của ICE là Marc Raimondi đã cảnh báo với ban lãnh đạo cơ quan rằng tờ Washington Post đang điều tra về việc 19 cái chết trong nhà tù không được kiểm tra pháp y. "Tôi nghĩ chúng ta phải có những biện pháp mạnh để giữ cho những trường hợp này không biến thành chuyện lùm xùm gây phương hại trên quy mô toàn quốc", ông Raimondi viết. Và những biện pháp đó là tung ra nhiều thống kê cho thấy số người chết trong những nơi này rất thấp so với những nhà tù thông thường. New York Times dẫn lời nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng những số liệu trên chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận vì ICE cố tình bỏ qua ít nhất là 1/10 trường hợp tử vong và thậm chí còn thông báo trả tự do ngay sau khi tù nhân chết.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hồi giữa năm ngoái tuyên bố sẽ cải tiến hệ thống giam giữ người nhập cư, trong đó bao gồm chế độ chăm sóc y tế. Tuy nhiên, Washington không đưa ra đạo luật mới nào về chuyện này vì cho rằng xây dựng luật sẽ "tốn nhiều công sức, thời gian và rất cứng nhắc". Điều trớ trêu là bà Dozoretz đã được chỉ định đứng đầu chương trình cải tiến này. "Chính phủ để ICE tự điều tra và giám sát chính mình thì làm sao có sự minh bạch? Và cũng sẽ không có thay đổi hay cải cách gì cả", New York Times dẫn lời một cựu quan chức của cơ quan này nói.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.