Đó là những nội dung mới trong dự thảo Luật thủ đô do ban soạn thảo thuyết trình ngày 16-1, trước nhiều quan chức Quốc hội, Chính phủ và Hà Nội.
Siết chặt nhập cư, lao động
Theo điều 19 của dự thảo luật, công dân muốn đăng ký thường trú tại thủ đô phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: một là có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thủ đô năm năm trở lên (quy định của Luật cư trú hiện hành là một năm), hai là người lần đầu đăng ký thường trú tại thủ đô phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu của người lao động do pháp luật quy định.
Giải thích cho quy định này, ông Lê Thành Long - vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - nói: thủ đô là đô thị đặc biệt, phải có những biện pháp để tổ chức dân cư hợp lý, vì vậy Hà Nội có quyền quy định khác Luật cư trú. Vẫn ở điều 19, khoản 2 nêu rõ: người không thường trú hoặc tạm trú tại thủ đô muốn làm việc tại thủ đô phải có giấy phép lao động do Sở Lao động - thương binh & xã hội TP cấp. Quy định này không áp dụng đối với những người được chính quyền TP ưu tiên tuyển dụng.
Nhiều đặc quyền, đặc lợi
Trao cho chính quyền Hà Nội công cụ quản lý đặc biệt, dự luật cho phép “trong trường hợp đặc biệt để thực hiện một số chức năng của thủ đô, chính quyền TP Hà Nội có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mới, khác hoặc trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trung ương, nhưng không được trái với hiến pháp”.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật thủ đô với các luật có liên quan thì trong phạm vi địa giới Hà Nội sẽ áp dụng quy định của Luật thủ đô. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cơ chế đặc thù, thông thoáng và nghiêm ngặt sẽ tạo sự đột phá cho phát triển của Hà Nội.
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Không cơ chế đặc thù, Hà Nội như nông thôn Lý giải việc cần thiết có đạo luật riêng cho thủ đô, ông Nghị nói: “Nước ta có nhiều TP lớn, nhưng Hà Nội là đầu não, là thủ đô, là trái tim của cả nước... Có thể nhiều TP khác cũng đòi cơ chế đặc thù, nhưng không thể vượt qua được đòi hỏi chính đáng của Hà Nội, vì những đặc thù trên là duy nhất. Cần phải giải thích với mọi người rằng làm luật này là vì cái chung, để Hà Nội xứng tầm là thủ đô. |
Nếu dự luật tìm được sự đồng thuận của Quốc hội, thì Hà Nội sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt ở hầu khắp các lĩnh vực. Chẳng hạn như họ có quyền giữ lại 50% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thủ đô, giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách vượt để đầu tư xây dựng, phát triển.
Các chuyên gia, nhà khoa học được chào đón sẽ thụ hưởng điều kiện làm việc, chỗ ở, thu nhập đặc biệt theo quy định riêng của chính quyền thủ đô. Chính quyền Hà Nội cũng sẽ nhận quyền tiếp quản phần lớn cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục... từ các bộ, ngành trung ương.
Cạnh đó, chính quyền thủ đô cũng được quyền và buộc phải đưa ra những quy định khắt khe hơn mức bình thường. Chẳng hạn việc “quy định và áp dụng tiêu chuẩn môi trường cao hơn so với tiêu chuẩn môi trường quốc gia”, “quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đặc thù áp dụng trên địa bàn thủ đô ngoài các quy định hiện hành”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết mặc dù đã là dự thảo lần thứ ba nhưng nội dung dự luật vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là việc nên hay không trao cho chính quyền thủ đô được ban hành các quy định khác với các luật và quy định của trung ương.
Theo Lê Kiên / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)