Quy định pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được bổ sung và hoàn thiện nhằm bảo hộ những tài sản trí tuệ. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay chỉ một số đơn vị, cá nhân, tổ chức chấp hành việc chi trả tác quyền cho nhạc sĩ từ trực tiếp đến thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (gọi tắt là trung tâm).
Theo nhận định của trung tâm, hiện tượng các nhà tổ chức, đơn vị sản xuất băng đĩa, các tụ điểm vui chơi, website âm nhạc... đang cố tình làm ngơ, hoặc chỉ thực thi khi bị phát hiện hoặc làm cho có đang rất phổ biến trong đời sống âm nhạc cả nước.
“Một xã hội văn minh, hiện đại thì không thể xảy ra nạn ăn cắp bản quyền được”. |
|
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN |
Cụ thể nhiều đơn vị, tổ chức chỉ đăng ký tác quyền một lần cho một tác phẩm rồi sử dụng suốt một thời gian dài. Ở lĩnh vực karaoke, gần như trung tâm không thu được tiền tác quyền từ các phòng hát, khách sạn, nhà hàng có dịch vụ này trừ vài trường hợp công ty sản xuất đầu máy karaoke mua bản quyền một lần nhưng phát tán trên nhiều mã hàng...
Thật bất ngờ khi nhìn vào danh sách các đơn vị đóng tại TP.HCM không chịu (hoặc chưa chịu) thực thi việc chi trả tác quyền âm nhạc. Trung tâm đã rất nhiều lần gửi công văn đề nghị đăng ký để nộp tiền tác quyền hoặc cung cấp văn bản xác nhận đã chi trả tiền tác quyền trực tiếp cho nhạc sĩ là hội viên của trung tâm, nhưng đến nay các đơn vị này vẫn "bình chân như vại". Các khách sạn 4, 5 sao nổi tiếng như Windsor, Equatorial, Sofitel Plaza Saigon đều không phúc đáp chuyện chi trả tác quyền âm nhạc. Hàng loạt siêu thị lớn như Vinatex, Super Bowl, Điện máy Thiên Hòa, Idea, Fivimart... là những đơn vị không quan tâm đến mọi đề nghị chi trả tác quyền âm nhạc. Nhiều quán cà phê nổi tiếng như Điểm hẹn Sài Gòn, n Nam, Sỏi đá; các quán bar Baroco, Velvet, vũ trường Phương Đông, Maxim, khu vui chơi giải trí Đầm Sen, khu du lịch Suối Tiên, hệ thống karaoke Nice, Dân Ca, Star, nhà hàng tiệc cưới Đông Phương, website nhac8.com, hihihehe.com, 60s.com.vn, mp3.xalo.vn, cyworld.vn... cũng không trả tác quyền trong thời gian rất dài dù trung tâm đã nhiều lần gửi công văn đề nghị.
“Sau nhiều lần nhắc nhở bằng văn bản, trung tâm sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ, danh sách các đơn vị vi phạm sang Thanh tra Sở VH-TT-DL TP.HCM xem xét, giải quyết. Trước mắt, để bảo vệ quyền lợi nhạc sĩ, trung tâm đang thu thập thêm hồ sơ, dữ liệu, cho ghi âm, ghi hình toàn bộ những trường hợp sai phạm sau đó ủy quyền cho văn phòng luật sư để xử lý theo luật định” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. |
Con số 23,15 tỉ đồng do trung tâm thu được trong năm 2009 thật ấn tượng nếu nhìn lại 80 triệu đồng tiền thu tác quyền trong năm đầu thành lập 2002. Đến nay, đã có 1.200 hội viên với 1.600 nhạc sĩ khắp cả nước tham gia vào trung tâm. Để việc thực thi quyền tác giả cho người sáng tác được công bằng, đúng và đầy đủ thì cần phải có sự phối hợp nhiều hơn nữa của các đơn vị quản lý nhà nước liên quan, Sở VH-TT-DL các địa phương, thanh tra văn hóa... đồng thời áp dụng biện pháp chế tài mạnh mẽ theo Nghị định 47/2009/NĐ-CP để thật sự mang tác dụng răn đe. Việc thực thi tác quyền cần được chấp hành nghiêm túc trong một xã hội văn minh.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)