HNX còn giảm nhiều hơn: Ngày 18.1 chỉ còn 164,54 điểm, không những giảm 6,83 điểm (-3,99%) so với phiên trước (mức giảm lớn nhất tính từ 10.12.2009), mà còn giảm 3,63 điểm (-2,16%) so với phiên cuối năm trước. Như vậy phiên giao dịch ngày 18.1 đã xóa đi tất cả mọi cố gắng trong những ngày đầu năm nay, VN-Index đã rời xa mốc 500 điểm và HNX đã rời xa mốc 170 điểm!
Diễn biến của chứng khoán Việt Nam là ngoài dự kiến của các nhà đầu tư cũng như chuyên gia. Sao vậy?
Có phải từ dòng tiền? Nếu bình quân một phiên trong tuần giao dịch đầu tiên đạt 1.951,1 tỉ đồng, thì ở tuần thứ hai chỉ đạt 1.886,4 tỉ đồng, phiên giao dịch đầu tiên của tuần thứ ba lại tiếp tục giảm thêm hơn. Tuy nhiên, mức giá trị giao dịch bình quân 11 phiên trên không phải là thấp khi đạt 2.132,1 tỉ đồng/phiên, chỉ thấp thua mức bình quân của các tháng 9-10- 11/2009, vẫn cao hơn mức bình quân của các tháng còn lại và mức bình quân chung của cả năm 2009. Nói cách khác, sự giảm điểm của chỉ số chứng khoán không hoàn toàn do giá trị giao dịch thấp.
Đành rằng có tác động từ sự đi xuống của chỉ số chứng khoán Mỹ cuối tuần trước, nhưng phiên trước đó thị trường này đã tăng lên; chỉ số DowJones vẫn ở mức gần 10,7 ngàn điểm. Trong khi kinh tế Mỹ và thế giới thoát đáy chậm hơn và còn đang bò lên dốc một cách khó khăn, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thoát đáy vào quý 1/2010, từ quý 2 đã vượt dốc đi lên một cách rõ ràng.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong mấy ngày gần đây giảm mạnh so với tháng trước, chứng tỏ tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã ít nhiều được cải thiện. Nỗi lo tăng tỷ giá cũng giảm, khi các tập đoàn lớn bán ngoại tệ cho ngân hàng và Nhà nước dự kiến sẽ phát hành 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế.
Có lẽ nguyên nhân lớn nhất là sự hoạt động của “cá mập” đè giá. Vài năm trước “cá mập” còn nhỏ. Hiện nay, các “cá mập” liên kết với nhau, có kỹ thuật tinh vi hơn, tung ra nhiều tin đồn hơn, việc “đè” hay “đẩy” giá mạnh hơn. Họ còn phối hợp với một số công ty chứng khoán hoặc “chuyên gia” đưa lên mạng, báo chí những biểu đồ kỹ thuật cao siêu, rồi khuyến cáo về “ngưỡng hỗ trợ” -thực chất là “đáy” rất thấp (khi muốn đè giá). Điều nguy hiểm là họ còn liên kết để nhằm đẩy hoặc đè giá đối với một số mã, làm cho giá tăng hoặc giảm đều thẳng đứng.
Nhà đầu tư (kể cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ) cũng góp phần làm cho chứng khoán tăng/giảm bất thường khi mua/bán theo phong trào, ào ào mua ở đỉnh, ào ào bán ở đáy, nên đã mắc vào bẫy mà “cá mập” đã cài sẵn. Nhà đầu tư nhỏ lẻ cần tỉnh táo, không nghe tin đồn thổi, không ào ào bán khi giá xuống, ào ào mua vào khi giá tăng.
Đào Lâm
Bình luận (0)