Đó là kết luận được rút ra từ Hội thảo Tài nguyên nước và sự phát triển bền vững do Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng tổ chức ngày 19/1, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Tài nguyên nước và nhiều tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Việt Nam – vốn không phải là quốc gia giàu về tài nguyên nước, đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu.
Tình trạng này dễ nhận thấy với các biểu hiện như sự cạn kiệt dòng chảy, hạn hán, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Ngay trong thời điểm này, sự cạn kiệt đang xảy ra ở nhiều lưu vực sông. Trong khi việc khai thác còn thiếu quy hoạch, lãng phí, chưa hài hòa được bài toán phát triển kinh tế và bền vững về tài nguyên thiên nhiên.
“Chính phủ đã và sẽ thực hiện chiến lược phát triển có hiệu quả và bền vững nhằm khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, đồng thời tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, triển khai các kế hoạch, dự án cụ thể để có các giải pháp ứng phó với tình trạng bất lợi này”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai, Việt Nam được xếp là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, mức bình quân đầu người khoảng 11.000 m3 nước/năm, tuy nhiên lại phân bố không đều cùng với những hạn chế về nguồn lực trong việc xây dựng những công trình điều tiết dòng chảy.
Ông Koos Neefjies, Cố vấn cao cấp về Biến đổi khí hậu của UNDP tại Việt Nam đánh giá, trong khi đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thì bài toán bảo vệ và sử dụng một cách bền vững tài nguyên nước đòi hỏi những nỗ lực cấp thiết đối với Việt Nam.
Trong khi đó, một nguyên cứu của Đại học Mỏ địa chất Hà Nội cho thấy, tình trạng suy thoái nguồn nước ngầm đang ở mức báo động. Mức nước của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian, chất lượng nước dưới mặt đất cũng đã có nhiều dấu hiệu ô nhiễm cục bộ ở nhiều nơi.
Trước những thách thức lớn về thực trạng tài nguyên nước của Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp, chính sách nhằm khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên này hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể như một chương trình sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, các dự án bảo vệ và phát triển nguồn nước, đẩy mạnh triển khai các dự án quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)