Đâu rồi chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột?

23/01/2010 22:16 GMT+7

Cuối năm 2005, cà phê Buôn Ma Thuột (BMT) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Nhưng từ đó đến nay, việc quản lý và phát triển thương hiệu này vẫn còn nằm trên giấy.

Doanh nghiệp không mặn mà

Cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 52 nước trên thế giới, trong đó BMT - nơi nổi tiếng trồng cà phê thơm ngon đặc trưng - chiếm tỷ trọng lớn sản lượng khoảng 220.000 tấn/năm (diện tích cà phê của BMT khoảng 105.000 ha). Thế nhưng lâu nay, cà phê BMT khi xuất khẩu đã bị đánh đồng với cà phê xuất xứ từ nhiều vùng miền khác, không khai thác được những lợi thế về chỉ dẫn địa lý.

Mãi đến đầu năm 2008, một dự án hỗ trợ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê BMT do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Đắk Lắk chủ trì mới được chính thức xây dựng. Dự án đặt mục tiêu từ tháng 1.2008 đến tháng 6.2010, sẽ thiết lập hệ thống tổ chức quản lý chất lượng và thương mại nhằm phát triển, quảng bá chỉ dẫn địa lý, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý BMT.

Mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý và hệ thống quản lý nội bộ cho sản phẩm cà phê nhân BMT sẽ thực hiện thử nghiệm đối với 4 doanh nghiệp trong vùng địa danh với khoảng 5.000 ha cà phê. Khi mô hình thành công sẽ triển khai trên diện rộng; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cà phê BMT phải được kiểm tra, giám sát theo tiêu chuẩn cụ thể, có thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ...

Chỉ dẫn địa lý là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Ông Đoàn Kim Ca, Trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ - Sở KH-CN Đắk Lắk, cho rằng: Để thực hiện toàn bộ nội dung của dự án nói trên, cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ra làm thay mà phải có một tổ chức đại diện là hiệp hội các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê nhân BMT.

Tuy nhiên, đến nay hiệp hội này chưa được thành lập nên việc triển khai gần như giẫm chân tại chỗ, dự án vẫn còn nằm trên giấy.

Theo ông Ca, nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc xác lập chỉ dẫn địa lý cho cà phê BMT nên chưa mặn mà với việc thành lập hiệp hội. Có doanh nghiệp cho rằng, chỉ cần sản xuất cà phê theo các chứng chỉ quốc tế 4C, UTZ Certified... cũng có thể bán giá cao, khỏi cần chỉ dẫn địa lý BMT. Một doanh nghiệp khác cho rằng, tổ chức hiệp hội (như từng có lâu nay) tỏ ra không có hiệu quả, trong khi doanh nghiệp phải đóng lệ phí tốn kém...

Quản lý thương hiệu không dễ

Một vấn đề khó xử đặt ra cho việc quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê BMT là việc đăng bạ xuất xứ hàng hóa chỉ mới cấp cho cà phê nhân; có nghĩa là các loại cà phê rang xay, cà phê hòa tan thì vẫn “ngoài vòng kiểm soát”. Hiện nay, tình trạng mạo danh cà phê BMT diễn ra tràn lan, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê bột ở các địa phương ngoài tỉnh Đắk Lắk.

Một sản phẩm cà phê rang xay phẩm chất kém, có nguồn gốc cà phê nhân mua trôi nổi ở bất cứ đâu, có thể pha trộn, đóng gói và dễ dàng tiêu thụ dưới tên gọi xuất xứ cà phê BMT. Theo ông Đoàn Kim Ca, đã có ý kiến đề nghị đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cà phê BMT cho cả cà phê rang xay, cà phê hòa tan. “Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ thì dễ nhưng quản lý, chế tài vi phạm hết sức phức tạp vì quá nhiều nhãn hiệu cà phê bột trên thị trường” - ông Ca nhận xét.

Một trong những nội dung quan trọng trong dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê BMT là nghiên cứu thị trường, ngành hàng và xây dựng hệ thống thương mại cho sản phẩm cà phê nhân BMT, đây là thước đo hiệu quả của việc xác lập chỉ dẫn địa lý.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, khẳng định việc sản phẩm cà phê nhân được chứng nhận cà phê BMT sẽ có một tương lai tốt hơn trên thị trường cà phê đặc sản nhưng việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý này ở góc độ thương mại cũng phải chờ Hiệp hội cà phê BMT ra đời. Theo ông Hà, việc xây dựng thị trường, hệ thống phân phối cho riêng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cà phê BMT là vấn đề rất mới và khó.

Sở Công thương không có khả năng thực hiện được nhiệm vụ này nên đang hợp đồng với một nhóm chuyên gia của Đại học Kinh tế TP.HCM để nghiên cứu và đưa ra mô hình thích hợp vào giữa năm 2010. Ông Hà cũng tỏ ra băn khoăn:

“Vấn đề thành bại còn tùy thuộc thị trường. Cà phê là mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố đầu cơ nên dù có chứng nhận chỉ dẫn địa lý thì cà phê BMT cũng khó có thể chi phối thị trường về giá cả”. 

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.