Dẹp bỏ cái tôi

23/01/2010 16:35 GMT+7

Đoạt giải thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009, tham gia thiết kế sân khấu cho hàng chục vở diễn khi tuổi đời còn rất trẻ, nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu Trần Hồng Vân đã chia sẻ về nghề nghiệp.

* Phụ nữ theo nghề thiết kế mỹ thuật sân khấu có những điểm thuận lợi và hạn chế gì so với nam giới?

- Tôi không có quan niệm phân biệt giới tính trong công việc, quan trọng là cách bạn làm việc và quản lý công việc. Đa phần phụ nữ Việt Nam vẫn bị xem là làm việc kém hiệu quả hơn nam giới vì một số lý do truyền thống. Điều đó khiến họ khó có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình.


Một bối cảnh sân khấu do Trần Hồng Vân thiết kế - Ảnh: Nhân vật cung cấp

* Theo chị, để trở thành một nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu, bạn trẻ cần trang bị những gì?

- Theo tôi, ngoài những năng khiếu cơ bản như: hội họa, sáng tạo, các bạn trẻ phải có niềm đam mê nghệ thuật sân khấu, phải nhiệt tình, chấp nhận làm việc với áp lực cao và phải dẹp bỏ cái tôi của mình. Vì sân khấu là một sản phẩm tinh thần, là sản phẩm của tập thể, nên cái tôi ở đây không được hoan nghênh. Một họa sĩ sáng tác tranh có toàn quyền với tác phẩm của họ, nhưng họa sĩ thiết kế sân khấu không có đặc quyền đó. Họ phải phụ thuộc vào kịch bản, và từ đó sáng tạo cái riêng trong một tổng thể chung. Nghề này rất cần sự nhiệt tình. Bạn có thể không giỏi, không sáng tạo, nhưng chính lòng nhiệt tình sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc. Thiết kế sân khấu không phải là môn học suông trên lý thuyết, mà các bạn phải thực hành. Và trong lúc thực hành sự sáng tạo sẽ đến với bạn.

* Từng thiết kế sân khấu cho không ít vở diễn của sinh viên và các đơn vị, chị có thể chia sẻ vài kinh nghiệm “xương máu” dễ bị vấp phải cho các nhà thiết kế sân khấu trẻ?

- Các bạn sinh viên thường bị lý tưởng hóa, chưa va chạm bên ngoài nên rất chủ quan, thường thiết kế sân khấu theo sự bay bổng của trí tưởng tượng, mà quên rằng còn một phần rất quan trọng là khâu thực hiện. Vì vậy khi đưa vào thực hiện cảnh trí thường gặp rất nhiều khó khăn về kích thước và chất liệu thể hiện. Bản thân tôi đôi khi cũng phạm phải sai lầm này.

* Đã trợ giảng tại trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM gần hai năm qua, chị thấy công tác giảng dạy này ra sao? Có nhiều bạn trẻ yêu thích theo học nghề này?

- Trường này là nơi đào tạo chuyên ngành thiết kế sân khấu - điện ảnh bài bản chính quy nhất ở khu vực miền Trung và miền Nam, đã cung cấp một số lượng đáng kể họa sĩ thiết kế sân khấu và điện ảnh cho ngành nghệ thuật của cả nước. 100% các bạn tốt nghiệp chuyên ngành này ra trường đều có việc làm ổn định theo đúng năng lực chuyên môn. Và ngành học này hiện cũng nhận được sự quan tâm của khá nhiều bạn trẻ. 


Trần Hồng Vân, sinh năm 1982

Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật sân khấu khóa 5 (2004 - 2007) của trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Hiện trợ giảng khoa Thiết kế mỹ thuật tại trường. Từng đoạt Giải Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (vở diễn Dòng nhớ, đạo diễn Hạnh Thúy).

Các vở diễn đã thiết kế: Kẻ nói dối đa tình, Điều ước thiêng liêng, Quan Thích... thích làm quan, Ẩn ngữ hoa hồng, Trai yêu, Một phút một thời (vở diễn đoạt giải bạc của cuộc thi các tài năng trẻ toàn quốc năm 2007), Tỉ phú ổ rác, Mùa hè và khói (đạo diễn trẻ Mỹ, vở diễn giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt - Mỹ, năm 2007)...

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.