Kinh nghiệm chọn đào, quất thế

28/01/2010 19:56 GMT+7

Tết Nguyên đán sắp đến, chọn một cây đào thế, quất thế cho phù hợp, đẹp không phải đơn giản.

Tên của các thế đào chủ yếu lấy theo chữ Nho, còn hình dáng của các thế đào gợi lên ý nghĩa về biểu tượng cha - con, gia đình, các con vật trong truyền thuyết như long, phụng...

Một số thế đào quen thuộc có thể kể đến là: ngũ phúc (4 chạc dưới và 1 chạc trên), thế trực đổ (1 nhánh đâm thẳng lên và một nhánh đổ xuống), hay kỳ công hơn là các thế long giáng (có hình con rồng xà xuống mặt đất), thế phu thê (hai cành một cấp quấn quýt lấy nhau), thế quần tụ (một tán lên cao biểu tượng cho cha mẹ và các tán phụ xung quanh biểu tượng cho con cháu sum vầy được tạo bởi các cành thấp, nhỏ), bạt phong, tam đa...

Ông Trung (Nhật Tân - Tây Hồ), một người có 40 năm kinh nghiệm trồng đào cho biết: muốn chơi đào thế với hoa lâu tàn và nhiều lộc thì chọn đào hạt, còn muốn chơi đào thế với hoa đẹp thì chọn đào phai và đào bích.

Bà Dương Thị Hợp (Dương Nội - Hà Đông), với hơn chục năm kinh nghiệm làm đào thế cho biết thêm: gốc, thân đào thế càng to, khỏe sần sùi, già bao nhiêu thì càng làm tôn lên vẻ đẹp cho thế đào bấy nhiêu. Thêm vào đó khi chọn cần chú ý, đào thế phải có đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.

Anh Nguyễn Trung Kiên (La Cả - Hà Đông) chia sẻ, dù chọn mua đào thế hay đào cành thì cũng cần phải chú ý đến không gian, lứa tuổi và sở thích để bày đào thế cho đẹp.

Thông thường nếu không gian nhà nhỏ, dùng đèn tuýp thì nên chọn đào phai thế để tạo cảm giác nhẹ nhàng, còn nhà rộng, thoáng nên dùng đào bích thế để tạo cảm giác ấm cúng, sang trọng. Với những nhà cổ thì khi chọn đào thế nên chọn các gốc đào được tạo hình vảy rồng vì nó sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính, phù hợp với không gian.

Cũng theo anh Kiên, thường người có tuổi hay chọn đào phai thế với các thế quần tụ, ngũ phúc...; còn người trẻ lại hay chọn các loại đào bích thế với thế phu thê, long giáng...

Kỹ càng cùng quất thế

Theo những người trồng quất thế ở Tứ Liên (Tây Hồ), Văn Giang (Hưng Yên)... thì quất thế hiện có rất nhiều loại: thế phu phụ (vợ chồng), huynh đệ, tam đa (ba ông thần phúc - lộc - thọ), tứ quý (long, ly, quy, phụng), ngũ phúc, lục điền, bát tinh...

Các thế này cũng hầu hết dựa vào việc các chủ vườn sử dụng các cành, tán của cây quất để tạo thành dựa trên sự hình dung về tình cảm, cảm xúc của con người và các vị thần, con vật trong truyền thuyết.

Theo anh Phan Duy Nghĩa (một chủ vườn quất Tứ Liên - Tây Hồ), không như đào thế cần có gốc và thân già, quất thế nên chọn các cây tơ. Đây là các cây mà trên thân chưa có các vết tròn đồng tâm loang lổ, là dấu tích của các bản địa y bám vào; bởi nếu có các vết này chứng tỏ cây quất thế này đã già.

Khi chọn quất thế phải chọn những cây có gốc, thân cứng cáp, các tầng tạo thế đối xứng hài hòa với nhau. Lá của cây thế nhỏ, xanh thắm và sai quả. Mầu quả phải vàng sáng, không nên chín quá và quả phân bố đều ở các tán thế.

Anh Nguyễn Văn Châu (Liên Nghĩa - Văn Giang) cho biết, quất thế khi được chọn cũng cần phải có đủ bộ tứ quý: dáng thế đẹp, quả đẹp đủ xanh, chín, non, lá lộc xanh mơn mởn và đặc biệt có thêm chút hoa và nụ.

Hiện nay, giá bán của các loại đào thế thông thường, độ tuổi dưới 10 năm dao động từ 1,2 -  3 triệu đồng, cây thế đẹp từ 3 - 5 triệu đồng; các loại gốc lâu năm, thế “độc” thì giá lên đến vài chục triệu đồng. Đối với quất thế các thế đẹp, tán cao cũng đang dao động từ 1,2 - 2 triệu đồng. 

Thành Chung 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.