Tây thích Tết ta

31/01/2010 12:30 GMT+7

Đến Việt Nam không chỉ vì công việc, nhiều khách tây cùng ở lại, gắn bó với con người, mảnh đất nơi đây qua những phong tục, tập quán Tết Việt...

Vừa kết thúc ngày làm việc, ông Peter R.Ryder (55 tuổi, quốc tịch Mỹ) - Trưởng đại diện Indochina Capital Đà Nẵng lại cùng gia đình đến các siêu thị, trung tâm mua sắm, lân la vào các khu chợ để chuẩn bị hàng loạt đồ đạc, tất tả đón Tết Nguyên đán.

Đặt chân đến Việt Nam ngay từ những năm đầu thập niên 1990 đến năm 1995, ông có mặt ở Đà Nẵng để chuyên hoạt động về bất động sản. Hàng loạt dự án lớn tại miền Trung đã gắn với tên tuổi của công ty như khu nghỉ dưỡng Furama, Nam Hải, Hyat...

Với R.Ryder là, gần 20 năm qua, ông chưa năm nào bỏ đón Tết Việt. Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến ông lại cùng gia đình sửa soạn bàn thờ, thắp hương tổ tiên, đón giao thừa, đến nhà bố mẹ vợ, đồng nghiệp.

So với Mỹ, Tết Việt như sự hội tụ của ba ngày lễ lớn Giáng sinh, Tết Dương lịch và Lễ Tạ ơn v.v... Nó vừa có không khí rộn ràng, sôi động chào đón năm mới nhưng cũng rất ấm cúng để mọi người tụ họp, quây quần và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp” - Peter R.Ryder bộc bạch.

Sự có mặt của người nước ngoài đang công tác tại Đà Nẵng không chỉ góp phần tích cực vào sự phát triển hội nhập của thành phố, làm không khí đón Tết thêm đa dạng mà còn góp phần giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán Tết Việt đến bạn bè thế giới... - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Trần Văn Minh, phát biểu tại buổi gặp mặt gần 200 người nước ngoài nhân dịp Tết Canh Dần tổ chức chiều 29 – 1.

“Tôi rất ấn tượng với bánh chưng của các bạn. Nó được làm rất công phu, pha trộn nhiều hương vị khác nhau” - tiếng Việt lơ lớ, Peter R.Ryder khá rành rõi kể về từng món ăn ngày Tết.

Bà Deborah Hilton (50 tuổi, quốc tịch Úc) tự nhận mình có tên khác là Hạnh và nói tiếng Việt sành sỏi, tỏ ra rất vui khi bàn chuyện đón Tết.

“Tết ở Úc không quan trọng bằng lễ Giáng sinh, chỉ được nghỉ một ngày để đón tết thôi. Việt Nam được nghỉ cả tuần khiến không khí tết sôi động hơn. Vợ chồng tôi cùng thức đón giao thừa, cầu chúc năm mới, rồi đi chào thăm người thân. Thích nhất là cảm giác ra đường những ngày Tết ai cũng tay bắt mặt mừng” - bà Hilton bộc bạch.

Đến Việt Nam để tham gia chương trình tình nguyện phát triển cộng đồng (tổ chức AOG world relier) tại Đà Nẵng, Quảng Nam, bà Hilton đã có hơn chục năm đón Tết Việt. “Mừng hơn cả là người Việt đang ngày càng đón Tết sung túc hơn”.  

 
Ông Peter R.Ryder tìm hiểu những hương vị không thể thiếu với các món ăn ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Huy

 

Eat tết

Bà Deborah Hilton nhắc nhiều đến con gái mình là Belinda (tên Việt Nam là Lan) sống Đà Nẵng 4 năm. Benlinda lấy chồng Việt, nói tiếng Việt rành rõi và dạy cả tiếng Việt cho người nước ngoài tại đây.

“Con gái tôi phải về Úc do công việc. Gần đến Tết, vợ chồng nó gọi điện, nhắn tin kêu nhớ Tết Việt không chịu được. Rồi nhờ gửi bánh chưng, mứt tết sang Úc”- bà Hilton kể.

Hơn chục năm sống ở Việt Nam, vợ chồng bà Suzanna Lubran, công tác tại quỹ từ thiện của Vina Capital bày tỏ ước mong trong những ngày đón Tết.

“Chúng tôi vẫn gọi theo cách của người Việt là Eat Tet (ăn tết). Tôi thường hay kể với bạn bè nước mình về phong tục, tập quán đón Tết của người Việt. Cuộc sống ở đây đang ngày càng phát triển. Tết xum vầy, ấm áp hơn. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ mãi về trường hợp một bé gái bị bệnh tim chưa được phẫu thuật trước Tết. Ngay sau những ngày đón năm mới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chương trình mời các bác sĩ Mỹ sang Việt Nam mở lớp đào tạo về phẫu thuật bệnh tim để có thêm nhiều trẻ em được vui Tết trọn vẹn trong những năm tới”.

Theo Nguyễn Huy / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.