“Cua sắt” BKZ

06/02/2010 15:00 GMT+7

Robot BKZ của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, được lắp ghép từ linh kiện tận dụng đã vượt qua 28 đối thủ trên cả nước để đoạt cúp vô địch “Robot dò mìn”.

Cuộc thi do Hội Cơ khí TP.HCM và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn Bộ tư lệnh Công binh tổ chức.

Nghẹt thở giữa BKZ và Bking

Dù đây là sản phẩm đầu tay của các sinh viên, nhưng đội BKZ vượt qua các trận thi đấu vòng bảng khá dễ dàng. Chướng ngại đầu tiên của BKZ là đội Bking của trường ĐH Bách khoa TP.HCM ở trận tứ kết. Bking là robot duy nhất trong 28 đối thủ dùng chiến thuật đánh chặn. Robot này có tốc độ cực nhanh nhưng leo cầu thang chậm nên thường cản đường về đích của robot bạn để giành chiến thắng về quãng đường di chuyển khi so thành tích. Khi vào vùng tranh chấp chung ngay trước cầu thang tiến về vùng dò mìn (đích đến), Bking “vượt rào” chặn ngay đường đi.

Biết được điều đó, đêm trước khi gặp Bking ở trận tứ kết, các thành viên đội BKZ đã thức trắng để viết lại bảng code lập trình, sửa lại phần cơ khí để có thể đối phó. Nhưng sáng hôm sau, do thử đi thử lại nhiều lần, ổ bi truyền động của robot BKZ bất ngờ bị gãy, cả đội nháo nhào tỏa đi khắp nơi để tìm phụ tùng thay thế. Vào trận, khi Bking áp dụng “bài cũ” chặn đường, BKZ đã được lập trình lại trước đó bất ngờ xoay 3600 tông thẳng vào Bking và đánh bật Bking ra ngoài. Loại được đối thủ, BKZ trở về cầu thang chuẩn bị đến đích thì do cú va đập quá mạnh, BKZ bị cháy mạch, mùi khét bốc lên. Cả Nhà thi đấu Q.Tân Bình (TP.HCM) như nín thở vì không biết kết cục trận đấu thế nào do cả hai robot đều không còn khả năng thi đấu tiếp tục. Kết quả, trọng tài quyết định BKZ vào vòng trong do Bking đã bị dừng giữa đường trước đó và khởi động lại nhiều lần hơn BKZ.


Đội BKZ đoạt cúp vô địch

Cuộc thi “Robot dò mìn” yêu cầu các robot lập trình sẵn di chuyển vượt các chướng ngại vật trên khoảng sân 12 x 12m để tiến đến điểm có mìn (điểm vàng). Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng robot rà phá bom, mìn có thể áp dụng trong thực tiễn.

Nếu chiến thắng ở trận chung kết gặp đội HEAT 3 - ĐH Công nghiệp TP.HCM của BKZ khá dễ dàng, thì ở trận bán kết gặp Embot - Strike thuộc Đại học Cần Thơ, BKZ lại làm khán giả “đứng tim” trong cuộc rượt đuổi ngoạn mục của hai đội. Ở trận này, BKZ vượt chướng ngại vật trước nhưng không thể chạm vào điểm vàng quyết định. Trong khi đó Embot - Strike luôn bám sát sườn nhưng cũng không thể kết thúc trận đấu. Mãi đến lần thứ 3 như thế, BKZ mới hạ được đối thủ.

“Khung sắt, động cơ đề”

Đó là tên gọi mà nhiều bạn bè trong cuộc thi “Robot dò mìn” năm 2010 dành để “nhận diện” robot BKZ, bởi lẽ đây là robot duy nhất được chắp vá từ những linh kiện không “chính hãng”, thậm chí khi BKZ tiết lộ một vài chi tiết cấu tạo, nhiều sinh viên đội bạn cũng không hiểu đó là thứ gì.

Robot BKZ được các thành viên chế tạo mô tả như một chú “cua sắt” với hai càng trợ lực để leo cầu thang, đây chính là chi tiết giúp robot BKZ vượt trội hơn các đối thủ còn lại đối với chướng ngại vật cuối cùng và khó khăn nhất. Điều bất ngờ là hai càng của “cua sắt” BKZ được làm từ động cơ… cần gạt nước của xe ô tô. Động cơ chính Servor 70W với giá đến 600 ngàn đồng/cái mà hầu hết các đội ở TP.HCM sử dụng là niềm mơ ước của những chàng sinh viên BKZ. Không đủ kinh phí, Lê Quang Dân và bạn bè mua động cơ đề của xe gắn máy với giá 110 ngàn đồng/cái, rồi về quấn lại để giảm bớt cường độ tránh cháy vi mạch. Khung nhôm của robot cũng được thay thế bằng khung sắt để tiết kiệm chi phí. Nhờ tằn tiện, sau 3 phiên bản robot BKZ xuất xưởng, 13 thành viên BKZ nhẩm tính chỉ tiêu tốn khoảng 12 triệu đồng.

Sau khi giành cúp vô địch và tiền thưởng 30 triệu đồng, những ngày giáp Tết, các thành viên BKZ vẫn cặm cụi khoan khoan cắt cắt ở xưởng cơ khí phía sau dãy nhà A - Đại học Bách khoa Đà Nẵng để tiếp tục cho những cuộc thi tiếp theo.  

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.