Gặp “cò” ngân hàng
Đến ngày đáo hạn ngân hàng và đang cần tiền xây mộ mẹ, bà N.T.Nhiên (61 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) chạy ngược chạy xuôi cũng không kiếm đâu ra 50 triệu đồng. Bí quá, bà Nhiên đành mang giấy tờ căn nhà hơn 200m2 ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12 đến một ngân hàng ở Q.7 vay tiền. Tại cổng ngân hàng, bà Nhiên gặp một người đàn ông lạ mặt và người này gạ gẫm: “Ngân hàng đang đóng băng, muốn nhanh để tôi giới thiệu chị gặp bà Lan vay tạm, tôi lấy phí dịch vụ vay 10%. Sau đó, tôi sẽ “lo” cho chị vay được tiền ngân hàng trả bà Lan”. Bà Nhiên đồng ý chi 500.000 đồng phí dịch vụ vay ngân hàng cho “cò”.
“Cò” dẫn bà Nhiên đến gặp bà Lan với thỏa thuận “vay” 100 triệu đồng, lãi suất 2%/tháng; bà Nhiên phải ra phòng công chứng ký giấy ủy quyền cho một người phụ nữ khác là bà Đ.V.Cường được “toàn quyền sử dụng căn nhà của bà Nhiên”. “Khi đến phòng công chứng, có người chỉ tôi ký tên, lăn tay vào hồ sơ đã làm sẵn. Khi đó tôi không đủ thời gian để đọc, hiểu hết nội dung trong đó”, bà Nhiên kể lại, “Công chứng xong, bà Lan giữ các giấy tờ quan trọng gồm: 2 giấy ủy quyền cho bà Cường toàn quyền sử dụng căn nhà của tôi, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở (Q.12) cấp ngày 6.7.2004, giấy đăng ký trước bạ (bản chính), 1 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (bản chính), 1 bản sao giấy khai tử của chồng tôi, bản sao hộ khẩu và CMND của tôi”.
“Giữa tháng 5.2009, bà Cường điện thoại hẹn tôi đến phòng công chứng để xóa ủy quyền, sang tên bán nhà nhưng tôi không đồng ý. Hai tháng sau, bà Cường báo cho tôi biết bà Lan sẽ đi đăng bộ tài sản của gia đình tôi và trong 1 tuần lễ nữa tài sản của tôi sẽ về tay bọn họ. Chuyện này thật khó hiểu và đáng sợ quá”, bà Nhiên nói trong tuyệt vọng.
Ký kết hợp đồng đúng thực chất giao dịch
Do nhu cầu bức bách, người đi vay dễ chấp nhận bất cứ điều kiện nào do người cho vay đưa ra. Mặt khác, khi vay tiền, người vay thường suy nghĩ chủ quan là sẽ có tiền để trả nợ sớm, nhưng thực tế cuộc sống phức tạp hơn nên việc không có tiền trả nợ đúng hạn vẫn có khả năng xảy ra. Điều quan trọng là người đi vay không dự liệu tình huống này cộng với việc không hiểu biết về tầm quan trọng, giá trị pháp lý, điều kiện của các giao dịch mà họ ký kết thông qua các bản hợp đồng, thỏa thuận vay mượn nợ... có công chứng, dẫn đến việc mất tài sản mà không hay; nhất là khi bên vay giao hết giấy tờ liên quan đến tài sản để bên cho vay giữ... Để có thể tránh được những rủi ro, bất lợi khi tham gia xác lập các giao dịch liên quan đến việc vay tiền, người đi vay nên chú trọng từng câu, từng chữ và tính xác thực của hợp đồng. Nếu vay tiền thì ký kết hợp đồng vay tiền, nếu vay có thế chấp thì ký kết thêm văn bản thế chấp tài sản riêng biệt với chính người cho mình vay tiền, không nên ký hợp đồng ủy quyền hay hợp đồng mua bán khi đó chỉ là vay mượn nợ. Khi hai bên ký kết với nhau hợp đồng đúng với thực chất của giao dịch, thì khả năng tránh được những lắt léo, bất lợi trong giao dịch là rất cao. Luật sư Phạm Đình Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Cao tay
Trong vụ việc trên, thoạt nhìn dễ lầm tưởng chỉ là chuyện vay mượn bình thường, nhưng thực chất là một cái bẫy tinh vi được giăng ra. Nạn nhân không chỉ là chủ tài sản mà cả người được nhờ đứng tên trong giấy ủy quyền.
Qua bạn bè giới thiệu, bà Cường quen bà Lan. Tháng 12.2008, bà Lan nhờ bà Cường đứng tên đăng bộ căn nhà của bà N.T.Nhiên giùm cho bà Lan trong lúc thỏa thuận vay tiền... Đổi lại, bà Lan sẽ cho bà Cường vay 100 triệu đồng mà không cần giấy tờ thế chấp, không cần viết giấy nợ. Khi có trong tay bộ hồ sơ ủy quyền, có công chứng của bà Nhiên, bà Lan mang đi cầm được 250 triệu đồng. Số tiền này, bà Lan “chia” bà Cường 100 triệu đồng như đã giao kèo.
Khoảng tháng 3.2009, bà Lan mượn hộ khẩu và CMND của bà Cường tiếp tục đi vay người khác được thêm 100 triệu đồng. Trả được vài tháng lãi suất, bà Lan "làm lơ". Lúc này, chủ nợ quay sang “dí” bà Cường phải đứng ra trả số tiền 380 triệu đồng (cả vốn lẫn lãi suất). Bà Cường lại được “môi giới” đến gặp bà Ngân (Q.Bình Tân) vay 800 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Cường phải ký giấy nợ hơn 1 tỉ đồng bao gồm 800 triệu đồng (bà Lan đã vay trước đó), 250 triệu đồng tiền dịch vụ và lãi suất của 15 ngày vay. Bộ hồ sơ nhà của bà Nhiên lúc này được chuộc lại, giao cho bà Ngân cất giữ.
“1 tháng sau, chưa có tiền trả nên bà Ngân bắt tôi trả thêm 250 triệu đồng, ép ký nợ tổng cộng 1,3 tỉ đồng và tôi bị giữ ở nhà bà Ngân 5 ngày”, bà Cường than. Chưa dừng lại ở đó, bà Ngân “bắt” bà Cường đến phòng công chứng ký giấy bán nhà của bà Nhiên.
Sau khi công chứng xong, bà Cường được thả về nhà nhưng sau 10 ngày không có tiền trả nợ nên bà Ngân đã cho nhóm người lạ mặt đến nhà bà Cường đe dọa "xử" cả gia đình. Vợ chồng bà Cường sợ hãi phải bế con bỏ nhà trốn. “Bây giờ họ khống chế toàn bộ gia đình tôi, con tôi không đi học được, chồng tôi không dám đi làm. Tôi không còn một lối thoát nào. Bà Lan đã đẩy tôi vào hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Kể từ khi quen biết bà Lan cho đến nay tôi phải lãnh món nợ 1,3 tỉ đồng. Từ đó tôi mới nhận ra rằng đây là một đường dây dụ tôi vào vòng lao lý nợ nần, nợ chồng nợ”, bà Cường nói.
Rõ ràng, với những tình tiết như nêu trên, nếu sau này công an có vào cuộc thì bà Cường lãnh đủ, chứ nhóm cho vay chẳng hề hấn gì vì họ không đứng tên bất cứ giấy tờ nhà hay giấy tờ cho vay nào. Trong khi đó, bà Cường thực chất cũng chỉ là nạn nhân!
Đàm Huy
Bình luận (0)