Theo nhiều tài liệu khoa học, loài cá này phân bố phổ biến ở Đại Tây Dương, vùng biển châu Úc và được ghi nhận có ở vùng biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông. Chiều dài tối đa của loài cá này có thể lên đến 8 m.
Cá mập trắng là loài cá dữ, con mồi của nó là các loài cá, mực, tôm, rùa biển, hải cẩu... Các tài liệu đều cho rằng loài cá này rất nguy hiểm và có thể chủ động tấn công người. Do khai thác quá mức, hiện số lượng cá thể thuộc loài cá này còn lại rất ít, loài cá mập trắng lớn được xếp vào danh mục sinh vật nguy cấp cần bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Con cá mập trắng lớn bắt được ở Sông Cầu có chiều dài toàn thân là 4,9 m, vòng bụng 3,5 m và chiều rộng răng hàm là 65 cm, vòng cung hàm có thể lên đến trên 1m. Với chiều rộng răng hàm này, có thể khẳng định đây không phải là con cá cắn người ở vịnh Quy Nhơn (Bình Định) trong thời gian vừa qua. Vết cắn đo được trên tay chân các nạn nhân chỉ vào khoảng dưới 20 cm. Hơn nữa, nếu con cá mập trắng lớn này tấn công người thì nạn nhân khó bảo toàn tính mạng.
Một điều cần phải làm rõ là con cá mập trắng lớn này xuất hiện tại khu vực chỉ cách bờ 10 m và được vây bắt bởi những người không có kinh nghiệm săn câu cá mập và với công cụ đánh cá nhỏ ven bờ. Do đó có thể nói con cá mập này đã rất yếu và bị trôi dạt vào bờ, bởi với một con cá mập trắng lớn trong trạng thái bình thường sẽ không vào gần bờ như vậy. Hơn nữa, nếu đây là con cá khỏe mạnh, các ngư dân nói trên và tàu thuyền của họ khó được bảo toàn.
Trên thực tế, cá mập trắng lớn với kích thước lớn cũng chưa từng được bắt gặp ở vùng biển ven bờ Việt Nam.
Võ Sĩ Tuấn
(Viện Hải dương học)
Bình luận (0)