Đi chợ đồ cổ Hà Nội dịp cuối năm

09/02/2010 00:41 GMT+7

Cứ vào độ ngày 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, những người chơi đồ cổ lại tìm về với “chợ đồ cổ” của Hà Nội trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm).

Những người bán hàng ở đây lâu năm cũng không nhớ rõ chợ đồ cổ trên phố Hàng Mã này đã hình thành từ bao giờ. Chỉ biết rằng cứ vào khoảng 20 tháng Chạp đến hết chiều 30 Tết, phiên chợ lại họp.

Đến với phiên chợ là những người mê cổ vật không chỉ của Hà Nội mà còn của các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh... và cũng có không ít du khách nước ngoài.

Tại phố Hàng Mã, do người bán, người mua đều là những người sành hoặc có chút ít hiểu biết về đồ cổ nên họ gặp nhau như những người bạn tri âm, cùng bàn luận, sẻ chia, trao đổi những món đồ cổ mà mình biết, mình có.

Nhẹ nhàng, lịch sự trong từng lời ăn, tiếng nói của người bán và người mua cũng làm nên một nét đặc sắc trong phiên chợ giữa lòng thủ đô.

Có lẽ đó là lý do để ông Phạm Lân (ở Ba Đình), năm nay đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn cùng chiếc xe đạp lọc cọc tìm về đây vào mỗi dịp cuối năm.

“Về đây đâu chỉ để  ngắm, để nghe, bàn luận về những thứ đã từng “vang bóng” mà mình về đây còn để tìm lại phép lịch sự, nhẹ nhàng trong giao tiếp, cái thứ chỉ còn vương vấn lại rất ít, mà phiên chợ ngắn ngủi này là tiêu biểu nhất”, ông Lân chia sẻ.

Trong 10 ngày ngắn ngủi của phiên chợ, từ những đồ cổ chỉ có niên đại vài chục năm, đồ giả cổ đến những đồ cổ có niên đại cả trăm năm, có giá lên tới hàng trăm triệu, hoặc cả tỉ đồng đều được bày trên... vỉa hè.

Những người bán hàng lâu năm ở đây bảo, gọi là chợ cho nó đúng nghĩa với cảnh người mua, người bán, chứ thực chất chỉ có độ chục người cùng bày đồ ra bán trên vỉa hè. Các món đồ cổ của các hàng được bày san sát nhau mà không hề bị nhầm lẫn.

“Ở chợ này thượng vàng hạ cám cái gì cũng có, bất kể là gì, cho dù mảnh đồng hoen gỉ, hay vại đất nung, cái đồng hồ, đèn dầu, điếu hút, tượng Phật... miễn là cổ thì sẽ được bày ra bán”, chị Nguyễn Thị Hương - một chủ hàng đồ cổ ở đây tâm sự.

Nhiều nhất trong chợ đồ cổ này là các loại gốm sứ Bát Tràng, Trung Quốc, đồ đồng, khảm trai, mỹ nghệ... Tại đây, dù khách chỉ đến để ngắm cũng được chủ hàng nhiệt tình giới thiệu về xuất xứ của các món cổ vật nếu muốn biết.

“Mới học ở Hà Nội được ba năm nhưng giáp Tết năm nào mình cũng đến đây. Chợ này không chỉ thỏa mãn trí tò mò về các món cổ vật quý giá mà còn giúp những bạn trẻ như mình học hỏi được nhiều hơn về cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày”, Phan Thị Lương - sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tâm sự.

Tuy nhiên, đi mua đồ cổ ở đây cũng phải rất cẩn trọng. “Trước còn có nhiều đồ cổ thật do người dân nhặt nhạnh mang về bán, chứ giờ còn rất ít. Không phải là người sành đồ cổ thật sự thì có thể dính đồ “dởm” ngay”, ông Trần Văn Tuấn - một người có gần 20 năm chơi đồ cổ ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Nhưng không phải vậy mà chợ đồ cổ trên phố hàng Mã mất đi giá trị. Mỗi dịp cuối năm về, giữa cái ồn ã, nhộn nhịp của không khí Tết, của cuộc sống đông đúc, ngột ngạt giữa lòng phố cổ, những người sành, yêu đồ cổ vẫn về đây hội ngộ, tỉ mẩn xem xét, ngắm nghía và bàn luận với nhau về món đồ đã “vang bóng một thời”.

Chiều 30 Tết, trong khi nhiều người còn tiếc nuối bởi chưa chọn được món đồ cổ nào hay chưa được thưởng thức “cho đã” cái thanh lịch, tao nhã ở lời ăn tiếng nói của người Hà Nội trong phiên chợ, thì các chủ hàng lại nâng niu những món đồ cổ của mình mang về và hẹn tái ngộ vào sang năm với những món đồ cổ mới được sưu tầm.

Thành Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.