Tản mạn cổng làng

12/02/2010 15:54 GMT+7

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng đã đi vào văn học, nghệ thuật và tâm thức của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Cổng làng Hà Nội cũng không nằm ngoài mối quan tâm đó.

1. Vũ Kiêm Ninh, một người sinh ra ở Bưởi, nơi có nhiều cổng làng to và đẹp, theo nghề điện ảnh nhưng lại mê mải với những chiếc cổng làng. Hơn 10 năm qua, ông đạp xe mỗi ngày 50 cây số tới các cổng làng Hà Nội để chụp ảnh và ghi chép về các cổng làng và cho ra đời cuốn sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay. Sách nói rằng đến thế kỷ 19, Hà Nội đã hình thành nên nhiều phường nghề, làng nào, phường nào cũng có cổng và rào lũy để phân cách với nhau, nhưng sang thế kỷ 21 thì... còn rất ít.

Giới thiệu cuốn sách ấy, Thư viện Quốc gia dành những lời trang trọng: “Đó là nơi đất lề  quê thói, dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà có thể sơ sài, con người có thể lam lũ, nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc” và “trải qua bao phen binh đao khói lửa, đã bao lần người Hà Nội phải bỏ lại mảnh sân, góc vườn, nhưng cây đa, bến nước, sân đình và bóng dáng cánh cổng làng kia vẫn còn in sâu trong tâm khảm”.

Tôi cũng bỏ công đi tới những nơi được xem là đã và đang có nhiều cổng làng Hà Nội. Trên Bưởi, cổng làng Cả vẫn im lìm mái ngói rêu phong. Ở Hàng Chiếu, bên trong cửa ô Quan Chưởng, cổng của làng Thanh Hà xưa vẫn có chỗ cho một người vô gia cư nương náu. Ở Đông Ngạc, Từ Liêm, làng nổi tiếng về học hành với 25 người đỗ đại khoa có chiếc cổng bên trên có bút lông và cuốn thư. Ở Hữu Hòa, Thanh Trì, cổng làng xưa được gắn đồng hồ nhưng không ai thay pin nên đã chết. Ở Yên Phụ, những cổng làng còn sót lại đang khuất dần sau những tòa nhà cao tầng. Mạn Thanh Liệt, có chiếc cổng làng mới xây to cao, hoành tráng nhưng chắc phải đợi hàng trăm năm nữa mới được nhớ đến như những chiếc cổng mà người ta đã phá mất hôm qua.

2. Quách Đông Phương là một trong những họa sĩ Hà Nội bán được nhiều tranh, ông còn được biết đến khi triển lãm một bộ ảnh chuyên đề về cổng làng cách đây ít năm ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Ông đã đi khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ để chụp khoảng 800 cổng làng từ hơn 20 năm trước, trong đó có các cổng làng Hà Nội. Nhưng bây giờ đã bị phá mất gần hết, nếu có còn thì cũng chẳng ra sao vì bị che lấp bởi những công trình mới. Có những chiếc cổng thì bị đẽo ra cho rộng để xe công nông đi lọt, muốn ô tô chạy qua thì đập ra, làm lại.

Theo ông Phương, xét dưới góc độ thẩm mỹ, cổng làng xưa khá đẹp vì đạt được những tỷ lệ vàng trong kiến trúc, hội họa dù không to lớn, hoành tráng. Có cổng làng như ở Cự Đà còn có bia “hạ mã” để nhắc người qua cổng phải xuống ngựa đi bộ giống như trước Văn Miếu hay cửa Ngọ Môn ở Huế. Mùa lụt, cổng làng Dương Xá, Gia Lâm đóng lại, chẹn đất cát để ngăn không cho nước lũ vào làng.

3. Đại đa số cổng làng Hà Nội không được xem là di tích lịch sử, văn hóa nên ứng xử thế nào với cổng làng là câu hỏi khó. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, nếu không kể những cổng làng ở Hà Tây mới sáp nhập, cổng làng Hà Nội nói chung không đẹp, nếu ai yêu mến thì khen, không thích có thể chê.

 
Cổng làng Kim Giang (chụp năm 1995) hiện không còn  - Ảnh: Quách Đông Phương

 
Cổng làng Đường Lâm, Sơn Tây - Ảnh: L.Q.P 

 
Cổng làng được dựng trong một lễ hội du lịch năm 2005 - Ảnh: L.Q.P

“Thời nhà Mạc thế kỷ 16, VN đâu đã có cổng làng. Cổng làng chỉ xuất hiện khi người ta có nhu cầu bảo vệ trật tự trị an. Làng có cổng cũng như nhà có cửa. Cổng làng sinh ra là để kiểm soát người ra kẻ vào, đêm đóng ngày mở, có ai mất trộm thì hô hoán lên cho tuần đinh đóng cổng làng để bắt kẻ gian”. Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐHQG Hà Nội nói như vậy với chúng tôi.

Ngày nay, từ tiền dự án hoặc tài trợ, công đức; từ ý thích của cán bộ địa phương, một số cổng làng được xây mới để... thu vé xe công nông hoặc ô tô vào làng chứ không phục vụ cho lợi ích  của người dân, vì thế “đừng nên thi vị hóa cổng làng một cách quá mức, có rồi thì không nên phá, nhưng cũng đừng xây mới làm gì”, ông Kế nói.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.