Rượu cần Tây Nguyên tấp nập về xuôi
Ở cuối đường Bắc Kạn, TP Kon Tum, nhiều người tấp nập ghé mua rượu cần. Chị Nguyễn Thúy Hiền quê Quảng Ngãi mua tới năm ghè rượu, cho biết: năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày áp Tết chị tranh thủ đi mua rượu ghè của người Ba Na để gửi về quê cho người thân. Trước Tết hơn mười ngày chị nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nhờ mua rượu cần Tây Nguyên.
Vùng đất Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan đẹp, nên thu hút lượng khách đến tham quan khá đông, nhất là du khách nước ngoài.
Ban đầu người dân ở đây chỉ làm 5 - 7 ghè để gia đình uống trong lễ hội, hay dịp Tết thôi, sau đó nhiều người khách khi đến được uống, xong cứ năn nỉ mua cho bằng được để mang về tặng người thân. Từ đó đã có năm gia đình ở Kon Klo làm nghề sản xuất rượu cần bán cho khách thập phương.
|
Rượu cần có 3 loại chính làm bằng nguyên liệu khác nhau, nên có hương vị và màu sắc khác nhau. Đó là rượu cần làm bằng nếp than. Theo già làng A Đar rượu nếp than khi uống có độ nồng, ngọt, rất thơm, nước có màu đỏ óng.
Rượu cần được làm bằng hạt kê (người Ba Na gọi hạt gào), có vị hơi nhẩn đắng, màu nước vàng. "Loại rượu này chủ yếu cánh đàn ông thích uống thôi. Chứ phụ nữ tụi mình hơi sợ về độ nồng say của nó" - chị Y Thưk nói.
Còn một loại rượu nữa làm bằng hạt cao lương, rượu rất thơm, ngon, nước có màu trắng đục. Để có được một ghè rượu thơm ngon uống vào ngày Tết cổ truyền, thời gian làm ra chúng phải mất một tháng.
Chị Y Hanh cho biết, những ngày giáp Tết này, nhà chị đã bán được 150 ghè, gần Tết lượng người mua càng nhiều, nếu tính cả năm gia đình chị bán được trên 1.000 ghè rượu.
Chị Y Thưk, Y Trang, Y Xuân, Y Khuê... cũng bán được lượng ghè rượu khá lớn. Mỗi gia đình có một bí quyết riêng trong việc chế biến, ngâm ủ rượu... Giá cả thì dao động từ 70.000 - 160.000 đồng/ghè, tùy độ ghè to, nhỏ. Nhiều hộ đã bỏ nghề làm rẫy để làm rượu và cuộc sống đã khá giả hơn.
Nhiều hợp đồng cho thổ cẩm
|
Chúng tôi bắt gặp hàng chục chị em người Ba Na ở làng Kon Klo chuyện trò ríu rít bên khung dệt thổ cẩm. Theo chị Y H’My, cả P.Thắng Lợi có gần 100 chị em làm nghề dệt thổ cẩm.
Chị Y Hanh rất vui, cho biết: Mình vừa nhận được hợp đồng lớn áo quần và váy của huyện Đăk Tô, tất cả đã hoàn thành.
Ước bình quân làm nghề này cho thu nhập 50.000 đồng/ngày.
Nghề rượu cần và dệt thổ cẩm đã giúp người Ba Na ở Kon Tum có thu nhập khá, nhờ vậy mà họ đón một cái Tết cổ truyền "sung" hơn các năm trước.
Bài, ảnh: Trùng Dương
Bình luận (0)