Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, một nhà thơ có những bài thơ xuất thần, một nhà viết kịch tài ba, và ông còn là một nhạc sĩ với những bản nhạc bất hủ. Nhưng trong lĩnh vực văn xuôi, có vẻ Nguyễn Đình Thi “hơi bị nể” cái “ông con” mình là Nguyễn Đình Chính. Khác với bố, Chính có một tuổi thơ hết sức vất vả và hơi tủi cực.
Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của Chính, nhưng lại có tác động hết sức tốt đến sáng tác của Chính. Là người viết văn xuôi, thoạt đầu người ta cứ ngỡ Chính viết văn vì là “ông con” của Nguyễn Đình Thi, và sẽ không ra khỏi “cái bóng” của bố mình trong sáng tác. Nhầm to! Văn xuôi của Nguyễn Đình Chính hoàn toàn khác với văn xuôi Nguyễn Đình Thi.
Nó “bụi bặm”, thậm chí “bặm trợn”, nó “đời” một cách khiến nhiều người quen thưởng thức những kiểu văn xuôi “đèm đẹp” phải ngỡ ngàng khi đọc. Nhưng đó đích thực là văn xuôi. Tiểu thuyết Đêm thánh nhân và Giờ hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính, theo tôi, là hai trong những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất trong “làng tiểu thuyết Việt Nam” từ rất nhiều năm nay.
Văn Nguyễn Đình Chính thấm đẫm chất đời sống, “tươi sống” và thô ráp như chính cuộc sống hằng ngày chúng ta đang sống, đồng thời lại mang được những nét kỳ quái, huyễn hoặc theo kiểu Marquez. Nguyễn Đình Chính tuổi Bính Tuất, vốn là tuổi vất vả. Từ nhỏ, Chính đã sống tự lập, 15 tuổi đi vào xưởng máy làm thợ, sau đó học lên đại học, rồi đi bộ đội chống Mỹ, làm nhiều nghề sau hòa bình, rồi “về hưu” khi chưa tới tuổi... Từng ấy những tháng năm lăn lộn đã khiến văn xuôi Nguyễn Đình Chính xa lạ với những kiểu văn “đèm đẹp” vốn không thiếu trong văn đàn Việt Nam. Anh cũng là người viết kịch bản phim xuất sắc, bây giờ lại “đổ” ra làm thơ, và thơ cũng khá đặc biệt, đầy xúc cảm pha lẫn... tục, nhưng cuối cùng người đọc nhận ra một nỗi đau đời từ những dòng thơ rất tưng tửng của Chính. Kể như thế cũng là được rồi!
Nhưng ngặt vì Chính là con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cái bóng của ông bố lớn quá, nên nhiều lúc có cảm giác Chính cố thoát ra khỏi cái bóng của bố mình trong văn chương bằng cách đi một lối hoàn toàn khác với văn chương của bố. “Con hơn cha là nhà có phúc”, nhưng kể cả khi “con không hơn cha” mà chỉ bằng cha thôi, cái phúc cũng đã khá đầy rồi. Tôi cảm thấy trong văn xuôi, Nguyễn Đình Chính không chỉ bằng, mà còn vượt bố mình. Tôi cảm thấy, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ viết văn xuôi, hơn là một nhà văn viết văn xuôi bẩm sinh. Trong khi Nguyễn Đình Chính thì ngược lại.
Nhật Chung
Bình luận (0)