Nghèo nàn sản phẩm du lịch Việt Nam

20/02/2010 23:58 GMT+7

Du khách quốc tế đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm làm bằng tay (handmade), làng nghề truyền thống ở Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên cả nước... Cầu có, cung có nhưng nói về sản phẩm du lịch làm quà lưu niệm cho du khách khi đến VN vẫn hết sức đơn điệu, nghèo nàn. Nghịch lý là trong khi ta nỗ lực kiếm từng USD xuất khẩu thì lại lãng phí một nguồn lực khổng lồ từ việc xuất khẩu tại chỗ trong nhiều năm qua.

Hàng lưu niệm Việt Nam xuất xứ... từ Trung Quốc, Thái Lan    

Sapa, thị trấn trong sương cuốn hút du khách quốc tế nhờ vẻ hoang sơ và không khí trong lành của rừng núi. Thổ cẩm được coi là món quà lưu niệm đặc sắc nhất của thị trấn này và được khách mua nhiều nhất. Tuy nhiên, rất khó để tìm được một cửa hàng bán thổ cẩm chuyên nghiệp dù địa danh Sapa đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước hàng chục năm nay. Thổ cẩm được bán ở Sapa hiện chủ yếu từ các cô gái, các cụ người dân tộc thiểu số. Họ cầm trên tay vài tấm thổ cẩm, rồi mặc sức chèo kéo du khách với giá cả không nhất quán. Ở các bản có đông khách lui tới, tình trạng này cũng diễn ra tương tự khiến khách hàng e ngại.

Một chuyên gia nước ngoài làm việc lâu năm tại Hà Nội cho biết, 5 năm ở Hà Nội, món quà lưu niệm mà ông mang về cho bạn bè, người thân ở Mỹ mỗi dịp về nước không thay đổi, đó là mô hình Chùa Một cột. "Thật khó tìm một món quà lưu niệm đặc trưng của Hà Nội ngoài mô hình Chùa Một cột" - vị chuyên gia này nói.

 

Tại TP.HCM cũng có rất nhiều cửa hàng với các sản phẩm làm bằng chất liệu tre, gỗ, sơn mài, đá, đồ trang sức kim loại, vải vóc, áo quần… Tuy nhiên nói đến sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM ngay cả người dân thành phố cũng lúng túng... Đây là lý do, du khách đến các cửa hàng lưu niệm chủ yếu để... tham quan thay vì mua sắm.

Chị T., phụ trách đối ngoại của một tập đoàn đa quốc gia tại TP.HCM kể, sau Tết dương lịch vừa rồi tổng giám đốc điều hành của tập đoàn có chuyến làm việc với lãnh đạo công ty con ở VN. Trong lịch trình 3 ngày ở TP.HCM, ông cùng vợ có 1 ngày tham quan thành phố và mua sắm nhưng “thời gian tham quan thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên chương trình mua sắm là tôi ngán nhất bởi rất khó tư vấn cho khách mua món quà gì là hợp lý. Khách Mỹ không thích mua sơn mài, hàng thổ cẩm lại đơn điệu quá. Các sản phẩm làm bằng gỗ cũng không thực sự hấp dẫn...” - chị T. than thở.

Tình trạng nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm du lịch trong nước dẫn đến hàng loạt các cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm cho du khách đều có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan... Tại cửa hàng Phú Loan (đường Nguyễn Thiệp, Q.1) chuyên bán các sản phẩm mỹ nghệ, sơn mài, gỗ cho du khách nhưng nhìn kỹ thì biết ngay xuất xứ không phải của VN. Chủ cửa hàng Tuấn Hùng trên đường Pasteur, Q.1 chuyên bán mặt hàng tranh ghép gỗ, mỹ nghệ cho biết, các sản phẩm quà lưu niệm mà cửa hàng đang trưng bày đều là hàng Trung Quốc và Thái Lan. Một nhân viên bán hàng ở chợ Bến Thành cũng tiết lộ, rất nhiều mặt hàng lưu niệm ở đây là hàng Trung Quốc. Khu vực chợ đêm Bến Thành, đa phần các mặt hàng như giày dép, túi xách, dây chuyền... đều không rõ xuất xứ. Ngoài việc đơn giản về mẫu mã thì các sản phẩm trang sức, túi xách, giỏ tre, tranh chạm khắc gỗ, tranh sơn mài, tranh thêu, tượng đá, chai lọ thủy tinh, sành sứ, mặt nạ các nhân vật lịch sử, hình con rối... trong nước không thể cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với hàng nhập khẩu. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng du khách đến Việt Nam lại mua hàng lưu niệm xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan.

Chi tiêu ở Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan

Ông Phạm Xuân Du, GĐ Công ty du lịch Xuân Nam, cho biết, khách quốc tế chi tiêu cho việc mua sắm ở VN rất thấp. Nếu như một khách tới Thái Lan bỏ ra trên dưới 500 USD để mua sắm, thì tại VN chỉ dừng lại không quá 100 USD. Trên thực tế, vấn đề làm thế nào để du khách quốc tế chịu "móc hầu bao" nhiều hơn khi đến Việt Nam đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng tới giờ vẫn chưa có phương án khả thi. Chị Phan Phương Thảo, bán hàng ở cửa hàng sơn mài Phương Nam trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM kể, khách đến cửa hàng chị chủ yếu là khách người Pháp, họ mua những món quà nhỏ giá từ 5 - 10 USD, cao thì vài ba trăm USD chứ ít khi mua những món hàng lớn. Nguyên nhân do tranh sơn mài làm bằng gỗ, cẩn đá hay ốc nên khá nặng, không tiện mang theo nếu đi bằng máy bay (rất dễ bị quá cước).

Theo chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách tại TP.HCM, khách mua tranh sơn mài rất dễ bị “hố” về chất lượng, nhất là những sản phẩm được bán dạo ở những điểm tham quan, thậm chí ở nhiều cửa hàng trong khu vực trung tâm thành phố. “Họ làm rất sơ sài nên khi khách mang về xứ lạnh, tranh sơn mài sẽ nhanh chóng bị cong và bung sơn. Nhiều người bán dạo bán một hộp sơn mài chỉ khoảng 30.000 đồng. Họ mua hộp nhựa rồi phun sơn lên để bán cho khách. Khách bị lừa nhưng không biết. Tình trạng này tồn tại nhiều năm nay và tiếp diễn đến tận bây giờ” - người này nói.

Nhận xét về vấn đề này, ông Du cho rằng, sản phẩm lưu niệm dành cho khách quốc tế ở VN nói chung rất đơn điệu về chủng loại, mẫu mã và giá cả. Hầu như không tìm được sản phẩm đặc trưng mang tính “mũi nhọn”, đúng thị hiếu, không quá lớn mà cũng không quá nặng phù hợp với khách du lịch. Ngay cả những trung tâm mua sắm tầm cỡ chúng ta cũng còn thiếu thì rất khó nói đến việc "móc hầu bao" của du khách.

TP.HCM từng bình chọn những điểm mua sắm đúng chuẩn, năm 2009 cũng đã chi ngân sách 2,7 tỉ đồng cho Sở VH-TT-DL thực hiện chương trình “TP.HCM - 100 điều thú vị”, trong đó có phần chọn 10 điểm mua sắm thú vị. Tuy nhiên, cho đến nay cả Tổng cục Du lịch và ngành du lịch TP.HCM chưa có một cuộc nghiên cứu công phu nào về nhu cầu mua sắm của khách quốc tế khi tới VN, để đầu tư xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng của VN. Món quà tặng nào mang tính đặc trưng của TPHCM, của VN? Câu trả lời hẳn là rất khó khăn. 

N.Trần Tâm - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.