Du học đã trở thành một trào lưu phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt khi mỗi gia đình chỉ có một con. Tuy nhiên không ít lưu học sinh nước này đã gây ra nhiều vụ án mạng nổi cộm trên xứ người.
Giết người vì tình
Theo Tân Hoa xã, sau quá trình bị điều tra, ngày 21.12.2009, nam sinh viên Chu Hải Dương theo học tại Học viện Virginia Polytechnic ở Blacksburg (Mỹ) đã cúi đầu nhận tội vụ sát hại cô bạn Dương Hân (cũng là lưu học sinh Trung Quốc) tại trường này. Động cơ giết người là do Dương Hân cự tuyệt tình yêu của anh ta. Vụ án xảy ra vào tối ngày 21.1.2009 khi hai người cùng ngồi uống cà phê tại căng-tin trong trường. Đột nhiên Hải Dương rút dao ra đâm Dương Hân chết tại chỗ trước sự bàng hoàng của mọi người xung quanh. Các nhân chứng khai không hề thấy bất cứ sự cãi cọ nào trước đó. Sau khi gây án, hung thủ còn tỏ ra rất bình thản.
Chu Hải Dương năm nay tròn 25 tuổi, đến từ Ninh Ba, Trung Quốc và nhập học tại Học viện Virginia Polytechnic vào mùa thu 2008 để theo đuổi bằng tiến sĩ Kinh tế học ứng dụng. Còn nạn nhân xấu số Dương Hân rất trẻ, mới 22 tuổi, đến từ Bắc Kinh, mới nhập học từ tháng 1.2009. Chu Hải Dương sẽ chính thức bị đưa ra xét xử vào ngày 1.4.2010 tới. Bạn bè của Hải Dương cho biết thường ngày anh ta là một người nhiệt tình, hòa nhã, kết giao rất nhiều bạn bè và chưa hề tỏ thái độ bất thường. Theo tờ Tuần báo phương Nam, một người bạn của Hải Dương thừa nhận anh ta có kể rất thích Dương Hân nhưng chưa hề nói cô này có thích lại anh ta hay không. Cảnh sát cũng phát hiện một bức thư in hình một đôi môi ở nhà Hải Dương nhưng chưa được gửi đi. Trên blog cá nhân của hung thủ cũng thấy xuất hiện những lời phiền muộn về tình như: “Cuộc sống có tình yêu mới hạnh phúc nhất. Cuộc sống vì tình là khổ đau...”.
Những vụ án khác
Cũng theo thông tin từ Tân Hoa xã, hai du học sinh Trung Quốc (một nam, một nữ) đang theo học năm thứ nhất tại trường Đại học quốc gia Donetsk (Ukraine) đã bị một sinh viên đồng hương mới 18 tuổi sát hại vào ngày 22.12.2009 ngay tại ký túc xá. Động cơ giết người là quỵt số tiền nợ 300 USD và cướp tài sản của nạn nhân gồm máy tính, tiền bạc, điện thoại.
Trước đó, vào ngày 11.11.2009 tại Toronto (Canada), sinh viên Vương Húc đã đâm chết bạn là Dương Minh vì mâu thuẫn công việc khi đang đi làm thuê trong một tiệm ăn. Chủ quán cho biết ông nhận hai người vào làm vì thấy họ khó khăn trong sinh hoạt, muốn tạo điều kiện cho họ kiếm tiền ăn học và tỏ ý tiếc vì cả hai đã không chịu nhường nhịn nhau trước những mâu thuẫn quá nhỏ. Lưu học sinh Trung Quốc Cố Tín Phi tại Úc thì bị xét xử vì giết tài xế taxi 67 tuổi Robert Woodger tại Sydney vào ngày 20.6.2007. Bị cáo Tín Phi 25 tuổi, đang theo học kế toán tại một trường đại học Úc, đã không bị kết tội giết người nhờ kết quả giám định cho thấy anh ta có dấu hiệu tâm thần phân liệt. Bạn bè cho rằng trạng thái thần kinh bất ổn của Tín Phi bắt nguồn từ áp lực học hành vì trước khi xảy ra vụ án, hung thủ đã thi trượt một số môn.
Còn tờ Thời báo phương Đông ngày 18.4.2009 cho biết, Bộ Giáo dục Pháp đã phát hiện tình trạng du học sinh Trung Quốc tại Đại học Toulon mua văn bằng với giá 130.000 USD (gần 2,5 tỉ đồng)/bằng. Kết quả điều tra cho thấy có 138 sinh viên nước này bị dính líu. Trung bình mỗi năm có tới 600 sinh viên Trung Quốc đăng ký nhập học tại Đại học Toulon. Hiện Chính phủ Pháp tiến hành rà soát lại tất cả các sinh viên Trung Quốc đang học và đã tốt nghiệp tại trường này.
Hư hỏng vì gia đình
Báo chí trong nước cho rằng nguyên nhân gây nên các vụ án của lưu học sinh Trung Quốc ở một số nước trong thời gian qua là do họ được bố mẹ quá cưng chiều và có cuộc sống quá đầy đủ ở quê nhà. Do chính sách một con, các bậc phụ huynh Trung Quốc thường dồn hết tình cảm và vật chất cho con, nhưng quên mất những trang bị về tâm lý. Tờ Kiều báo Thượng Hải đã phân tích rõ, khi con cái du học, các bậc phụ huynh không nên mua nhà cửa, xe cộ ở nước ngoài cho con, càng không nên gửi quá nhiều tiền bạc dư thừa. Tờ báo này cũng chỉ rõ ra rằng điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị cho con cái tinh thần kiên nhẫn và chấp nhận sự cô đơn, phải chuẩn bị sẵn tâm lý thay đổi.
Sự khác biệt lớn nhất giữa cuộc sống trong nước và cuộc sống du học là lưu học sinh quá tự do, không bị ràng buộc trách nhiệm. Hơn nữa, những người thiếu nghị lực, không có mục đích nhân sinh rõ ràng sẽ rất dễ bị cuốn theo cuộc sống hưởng thụ, yêu đương lộn xộn, sống thử và dễ trở nên sa đọa, xa rời mục đích học tập hoặc biến đổi tâm sinh lý đột biến, dễ rơi vào trạng thái khó kiểm soát, thậm chí có thể gây ra tội ác.
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)