Bức ảnh mô tả một con kiến châu Á, đang treo thân mình trên một tấm kính, hàm của nó đang ngậm chặt để nhấc lên một tấm kim loại nặng 500 mg.
Tác giả bức ảnh này là tiến sĩ Thomas Endlein, đang làm việc tại bộ môn động vật học thuộc Đại học Cambridge, ông chuyên nghiên cứu về các loài côn trùng.
Báo Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Thomas rằng kiến có khả năng tự thay đổi kích cỡ và hình dáng của bàn chân để thích nghi với việc vận chuyển các vật nặng. Khi phải mang một vật nặng nó sẽ tăng kích cỡ bàn chân và khi cần chạy thì nó giảm kích cỡ xuống.
Riêng hình ảnh đoạt giải này còn cho thấy khả năng bám dính của bàn chân kiến là rất khác thường để vượt qua được trọng lực gấp trăm lần của mình trong khi bám trên một bề mặt khá trơn. Nghiên cứu sâu điều này sẽ giúp các nhà khoa học có thể chế tạo được loại keo siêu dính. Loài kiến châu Á có thể tự làm sạch bàn chân nên chúng có thể bám dính trên hầu hết các bề mặt khác nhau.
So với khả năng bám dính của kiến thì các loại keo, miếng dán mà con người tạo ra còn thua rất xa.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)