Đề cao sự hòa hợp

24/02/2010 09:49 GMT+7

(TNTT>) Một điều ấn tượng khi xem bóng đá Anh là nhìn vào hàng ghế dưới cùng, hàng ghế gần sân cỏ và dễ tiếp xúc với cầu thủ nhất, luôn có một khu vực riêng trong sân dành cho các CĐV ngồi xe lăn cổ vũ thần tượng của họ.

Các CĐV này được sống trong sự đam mê cuồng nhiệt cùng với trái bóng, được cổ vũ, phấn khích như bất kỳ người bình thường nào. Người khuyết tật (không thể đi lại bình thường) tại Anh có thể tự lái xe đến sân, vào sân bằng xe lăn ở khu riêng cho họ để xem bóng đá. Việc bố trí khu riêng không phải vì cách ly mà là ưu tiên cho họ được theo dõi trận đấu một cách thuận tiện nhất.

Nhưng tại Việt Nam, việc đến sân xem bóng đá với người khuyết tật đi xe lăn không phải là điều đơn giản. Dù không cấm người khuyết tật vào sân nhưng với chiếc xe lăn, liệu họ có thể tự đưa mình lên các khán đài với những bậc thang dốc cao mà người bình thường còn phải cẩn thận khi đi kẻo bị té, trong khi đó lại không có khu riêng nào tại khán đài dành cho người đi xe lăn. Cách duy nhất để giúp người khuyết tật đi xe lăn xem bóng đá là bế họ lên khán đài. Phải nhờ vả mất thời gian và công sức như thế nên tại các sân vận động, hầu như chẳng thấy một người khuyết tật nào. Dù có thể cũng rất thích xem bóng đá nhưng họ thà ngồi nhà xem qua ti vi còn hơn.

Không chỉ đi xem bóng đá mà ngay cả những việc đơn giản nhất như đi siêu thị, đi toilet... thì ở nước ta người đi xe lăn cũng không có đường đi riêng (trừ các siêu thị mới xây trong thời gian gần đây). Tại các nơi công cộng khác tình hình cũng như vậy. Người dùng xe lăn đi xe bus là chuyện gần như không tưởng.

Người khuyết tật ở xã hội phương Tây thường có chỉ số hòa nhập với cộng đồng rất cao

Pháp luật bảo vệ người khuyết tật

Nhưng tại các nước tiên tiến, người khuyết tật được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia sinh hoạt trong xã hội như người bình thường. Việc các sân vận động tại Anh có khu riêng cho người khuyết tật không phải vì lòng trắc ẩn của chủ sân bóng, mà là quy định của pháp luật. Nếu không có những khu đó mà để các CĐV khuyết tật lên khán đài cao chẳng may bị ngã thì họ có thể khởi kiện. Từ 1995, nước Anh đã có đạo luật chống phân biệt với người khuyết tật (DDA). Khoảng hơn 10 năm trước, HLV tuyển bóng đá Anh Glenn Hoddle trong một buổi trả lời phỏng vấn trên tờ Times có nói rằng: “Những người khuyết tật bị trừng phạt do lỗi lầm của họ kiếp trước”. Câu nói này đã tạo thành quả bom dư luận, 90% người Anh phản đối Hoddle tiếp tục dẫn dắt đội tuyển quốc gia, chính phủ Anh với thủ tướng Tony Blair và bộ trưởng thể thao Tony Bank cũng chỉ trích Hoddle. Sức ép lớn đến mức Hoddle phải công khai xin lỗi và từ chức. Sau này, HLV Eriksson dù có lùm xùm tình ái nhưng cũng không bị người Anh phản đối đến mức kinh khủng như vậy. Phần đông người Anh không chấp nhận chuyện kỳ thị, gây tổn thương đến người khuyết tật.

Nước Mỹ còn thông qua luật bảo vệ người khuyết tật (ADA) từ năm 1990. ADA yêu cầu cụ thể các cơ quan công cộng phải “Cung cấp các dịch vụ, chương trình và hoạt động trong điều kiện hòa nhập thích hợp nhất với nhu cầu của những người khuyết tật đủ tiêu chuẩn” (tại hầu hết các nước phương Tây, có những tiêu chuẩn để xác định người gặp khiếm khuyết cơ thể với 3 mức: khiếm khuyết, khuyết tật và tàn tật). Người ta nhận thấy rằng tại Mỹ, người khuyết tật xuất hiện ở khắp nơi trong xã hội. Vấn đề không phải là nước Mỹ có tỷ lệ người khuyết tật cao mà là sự hòa nhập cao của người khuyết tật trong cộng đồng. Người khuyết tật ở Mỹ không bị nhốt trong nhà hay bị cách ly mà vẫn có thể tham gia vào mọi lĩnh vực.

Tại Nhật, Luật lao động từ hơn 30 năm trước có đưa ra mức cho các công ty sản xuất của Nhật về tỷ lệ lao động dành cho người khuyết tật. Với công ty có 56 người trở lên thì phải có 1,8% suất lao động cho người khuyết tật. Không đạt đủ số này thì cứ việc đóng tiền phạt. Người Nhật cũng đi đầu trong việc phát minh ra các máy móc, robot hỗ trợ cho người khuyết tật.

Không coi thường hay thương hại

Trong văn hóa ứng xử của phương Tây với người khuyết tật, không có hai khái niệm “coi thường” và “thương hại”. Vấn đề không coi thường thì đã rõ ràng thông qua việc ban luật chống kỳ thị, luật bảo vệ người khuyết tật. Còn chuyện không “thương hại” cũng là điều đáng suy ngẫm. Trong trường hợp một người đi xe lăn tại Mỹ bị ngã, tất cả mọi người đều không quan tâm nếu người đó có khả năng tự đứng dậy. Nếu bạn muốn giúp đỡ thì cần phải hỏi anh ta có cần giúp đỡ không. Nếu tự động chạy ra giúp thì bạn có thể không những không được cảm ơn mà nhiều khi còn bị từ chối vì người khuyết tật không muốn nhận lòng “thương hại”. Cũng vì khái niệm “thương hại” không có trong văn hóa ứng xử với người khuyết tật nên tại phương Tây, người khuyết tật không đi ăn xin. Còn tại Việt Nam người khuyết tật thì có khi lại được một bọn bất lương chăn dắt để đi ăn xin và tệ hơn là những kẻ giả dạng người khuyết tật để cầu xin thương hại của thiên hạ. Thế nên nhiều người ngoại quốc lần đầu sang Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi bị người khuyết tật hoặc giả khuyết tật chìa nón ra xin.

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Stephen William Hawking

Với người chẳng may bị khuyết tật, đó đã là một điều bất hạnh lớn và bất hạnh hơn nếu họ sinh ra trong một xã hội mà họ bị coi thường, kỳ thị. Vì thế cần ứng xử với người khuyết tật một cách công bằng hơn, tạo điều kiện cho họ hòa nhập thực sự chứ không phải chỉ là lòng thương hại hoặc xa lánh. Đó cũng là một trong những thước đo về mức độ văn minh của một xã hội.

Ý kiến

Có lần tôi ghé quán phở dùng điểm tâm sáng. Quán bữa đó đông lắm vì chủ quán khai trương một thương hiệu nổi tiếng mà người ta đã biết trước: phở bắc Quỳnh. Quán mới khai trương, đông, nhưng nhân viên mới, phong cách phục vụ chưa quen nên thực khách phải chờ đợi hơi lâu.

Đang nôn nao đợi mãi chẳng đến lượt mình, bỗng một anh thanh niên xuất hiện. Ngoài áo quần đen đúa và đầu tóc rối bời, anh ta là một người lành lặn bình thường. Người thanh niên này ghé bàn tôi, ngửa nón xin tiền. Đang bực dọc vì chờ đợi lâu lại thêm chuyện nhìn thấy một người lành lặn, khỏe mạnh đi ăn xin, nhưng cả bàn không ai nói gì. Bất chợt, một anh ngồi cạnh tôi lên tiếng: "Tự kiếm sống đi chớ, có tàn tật gì đâu. Tôi bị cụt một chân nè, vẫn đi làm kiếm sống thôi!". Tới lúc đó tôi mới biết là nãy giờ mình đang ngồi cạnh một anh chỉ có một chân! Tôi nhìn anh: ngưỡng mộ, khâm phục. Anh đã làm được điều mà có những người lành lặn như chúng tôi chưa chắc làm được. Chúng tôi không có quyền phán xét người ăn xin đó, nhưng anh có quyền. Đó là quyền của một người khuyết tật phán xét một người lành lặn bình thường. Trước mặt tôi, anh oai phong và kiêu hãnh quá!_NGUYỄN THẾ HẢI (Q.Tân Bình, 0908 260 210, hainguyen126@gmail.com)

Người khuyết tật rất cần mọi người thông cảm, chia sẻ và ưu tiên. Chẳng ai có thể phòng ngừa tất cả rủi ro có thể ập đến với mình nên có thể nói bị khuyết tật là chuyện xui rủi. Vì vậy, thiết nghĩ chúng ta nên xem những ưu tiên, thông cảm và chia sẻ với người khuyết tật là trách nhiệm của mỗi người, hơn là ban ơn; và đó cũng là chúng ta đang tử tế với chính bản thân của mình vậy!_TRẦN VĂN TUYÊN (Q.Tân Bình, tran.van.tuyen@ovi.com)

Người khuyết tật vĩ đại

Stephen William Hawking không thể tự di chuyển được mét nào nếu thiếu máy móc hỗ trợ bên cạnh. Thế nhưng, thiên tài người Anh này có thể thấy được điều mà người bình thường không thể nhìn thấy dù họ có những kính viễn vọng hiện đại nhất. Hawking đã từng giữ chức giáo sư Lucasian (chức danh dành cho giáo sư toán học của Đại học Cambridge) trong suốt 30 năm từ 1979 đến 2009. Cần biết, trong hơn 300 năm lịch sử mới có 18 người được phong là giáo sư Lucasian, trong đó có Newton. Điều đặc biệt hơn là trong suốt thời gian làm giáo sư Lucasian, Hawking luôn ngồi trên xe lăn do bị tai nạn trước đó.

Sinh năm 1942, Hawking đam mê toán học từ nhỏ, về sau thích nghiên cứu ngành vật lý. Hawking có một thời gian trẻ sống sôi nổi với các môn thể thao và đua ngựa. Nhưng trong thời gian làm luận án tiến sỹ về vũ trụ tại Đại học Cambridge, Hawking bị một tai nạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tai nạn này đã khiến Hawking gần như liệt hoàn toàn và tệ hơn là sau khi phẫu thuật khí quản, ông mất luôn khả năng nói.

Tuy vậy, bệnh nan y vẫn không đánh quỵ được Hawking. Dù phải gắn cuộc đời với xe lăn và giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng một tổng hợp ngôn ngữ thông qua bộ gõ thiết kế riêng trên xe lăn, Hawking vẫn hoàn thành luận án tiến sỹ năm 1966. Lĩnh vực mà Hawking nghiên cứu chính là đam mê cả đời của ông: vũ trụ. Dùng toán học, Hawking đã củng cố những điều mà nhân loại thắc mắc về sự hình thành của vũ trụ khởi nguồn từ vụ nổ lớn (Big bang). Năm 1974, Hawking đưa ra khái niệm mang tên ông về bức xạ Hawking để đề cập những vấn đề liên quan đến hố đen vũ trụ. Năm 1981, Hawking chứng minh bằng toán học về vũ trụ không biên nhưng hữu hạn. Những đóng góp của Hawking sẽ là nền móng cơ bản để các nhà khoa học sau đó phát triển những khám phá mới về vũ trụ.

NHẬT MINH

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.