Nơi móc nhiều ổ khóa nhất là điểm dừng tránh ở khu vực giữa cầu. Nhiều bạn trẻ cẩn thận dùng loại bút xóa ghi lại ngày giờ thời gian treo móc; vẽ lên hình trái tim cùng vô vàn lời lẽ yêu thương: “mãi mãi một tình yêu”, “Nhóc yêu Bi”, “mãi yêu”... Bút tích cho thấy, một số ổ khóa mới được treo lên trong dịp lễ Valentine, nhằm ngày mùng 1 Tết Canh Dần vừa qua.
Hình ảnh ổ khóa tình yêu treo trên cầu Long Biên đăng tải trên một vài tờ báo mạng lan truyền nhanh trong thế giới ảo thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Chưa một lần cùng bạn gái tâm sự trên cây cầu này nên Nguyễn Trường Giang, sinh viên khoa Điện trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã đưa bạn gái đến chiêm ngưỡng. Giữ tay ga cho xe đi thật chậm, đôi bạn trẻ dõi ánh mắt nhìn từng chiếc khóa trên lan can. Họ dừng lại ở ổ khóa có thông tin rồi đọc và mỉm cười.
“Hai bạn có ý định móc khóa tình yêu ở đây không”, tôi hỏi. Cô bạn gái đang là sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân thẹn thùng quay mặt, Giang thì nước đôi: “Ngày mai em trở lại Sài Gòn học rồi nên cũng chưa biết thế nào”. Nhà Giang thì ở Hà Nội còn cô gái quê ở Bắc Ninh.
Việc móc khóa vào thành cầu rồi ném bỏ chìa, tượng trưng tình yêu chung thủy, vĩnh cửu từng xuất hiện phổ biến tại một số quốc gia như: Ý, Nga hay Trung Quốc. Giới trẻ Hà thành có lẽ chịu ảnh hưởng từ đây nên chọn cây cầu trăm tuổi với đường nét cổ điển, dáng vẻ trầm mặc, quen thuộc với người dân Hà Nội làm nơi ghi dấu lời hẹn ước.
Tuy nhiên, trên một số diễn đàn, cư dân mạng bày tỏ những quan điểm khác nhau.
Người thì cho rằng đây là ý tưởng mới lạ. Nếu Hà Nội có chỗ cho phép các bạn trẻ thực hiện, sẽ góp phần hạn chế tình trạng thể hiện tình cảm bằng cách tô vẽ nhọ nhem ở các công trình công cộng; khắc chữ vào cả hiện vật vốn phổ biến tại các di tích lịch sử trong thành phố.
Có ý kiến lại tỏ ra lo ngại, nếu trở thành trào lưu như ở nước ngoài, sức nặng của khóa tình yêu có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây cầu già nua này.
Anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân làm nhiệm vụ bảo dưỡng cầu, thuộc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cho biết, nhiều lần chứng kiến đôi tình nhân cùng nhau tra khóa rồi ném chìa xuống dòng sông Hồng. “Tra khóa tình yêu vào lan can cầu chỉ xuất hiện khoảng 2 - 3 năm nay. Sau mỗi ngày lễ hay kỳ nghỉ hè, thể nào cũng có thêm vài ổ khóa mới”, anh Thắng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Lương Lâm, Tổ trưởng Tổ bảo vệ tài sản trên cầu Long Biên, trực thuộc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải cho biết: Nhiều ổ khóa không hẳn hàm chứa thông điệp tình yêu đôi lứa. Người dân thường xuyên đi xe lên cầu tập thể dục cũng có ổ khóa riêng bảo vệ tài sản khỏi bọn đạo chích.
Ông Lâm thông tin thêm, ngoài chỗ tránh khu vực giữa cầu, nội quy không cho phép bất cứ ai dựng xe, tụ tập trên lối đi hai bên, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Mùa hè gió mát, các đôi uyên ương dựng xe san sát, đứng trên cầu hóng mát, lực lượng bảo vệ đuổi cũng không xuể.
Trước hiện tượng khóa tình yêu xuất hiện ngày càng nhiều, ông Lâm thẳng thắn, số lượng ổ khóa hiện tại chưa đáng kể nhưng nếu trở thành “phong trào”, thanh niên đến treo khóa quá nhiều, lực lượng chức năng sẽ tính đến giải pháp cắt bỏ để không ảnh hưởng đến sự xuống cấp cầu. “Ổ khóa không phải là chứng nhân duy nhất cho tình yêu trường tồn, vĩnh cửu”, ông Lâm nói.
Phan Hậu
Bình luận (0)