Du lịch nước ngoài nhớ kiểm tra bảo hiểm

27/02/2010 10:47 GMT+7

Vụ đoàn 22 khách Việt Nam tại Thái Lan gặp khó khăn khi bị tai nạn hôm 19-2 đã làm nhiều người giật mình, vì thời gian qua phần lớn đã không quan tâm đến yếu tố bảo hiểm khi đi du lịch nước ngoài.

Một số công ty du lịch đánh trúng tâm lý thích tour giá rẻ của du khách đã không mua bảo hiểm du lịch cho du khách.

Chuyến xuất hành không ai muốn

Khách hủy tour sang Thái Lan

Phó phòng du lịch Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist Lâm Tứ Khôi cho biết ngày 26-2, một đoàn 30 khách của một công ty mua tour Thái Lan 5 ngày 4 đêm khởi hành từ ngày 28-2 đã thông báo hoãn vì lo ngại tình hình an ninh ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Các công ty du lịch khác cho biết nhiều khách VN đã điện thoại hỏi tình hình nhưng không hủy tour đi Thái Lan.

Công ty du lịch Vietravel cho biết trong ngày 26-2 vẫn có hai đoàn với 155 khách khởi hành sang Thái Lan theo tour 6 ngày 5 đêm; ngày 27-2 có một đoàn 25 khách khởi hành. Các công du lịch Thanh Niên (YTC), Bến Thành tourist, Fiditourist...cho biết đến thời điểm này các tour đi Thái Lan khởi hành ngày 26-2 đến đầu tháng 3 vẫn như kế hoạch đã định.

Đại diện thanh tra Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) TP.HCM cho biết đoàn 22 khách mua tour sang Thái Lan của Công ty TNHH TM-DV-DL Chân Trời Việt (số 3 Bàu Cát, P. 14, Q.Tân Bình do ông Phạm Tấn Nhựt làm giám đốc) là những người dân sinh sống ở khu vực công ty đặt trụ sở.

Tai nạn xảy ra ngày 19-2 là ngày thứ tư của tour sáu ngày năm đêm Bangkok - Pattaya và xe đang trên đường từ Pattaya về lại Bangkok. Sau khi xảy ra tai nạn, tất cả nạn nhân đều được chuyển về Bệnh viện Chularat 9 ở tỉnh Samut Prakan, cách Bangkok vài chục kilômet. Hiện còn bốn khách VN được điều trị tại đây. Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết hành khách bị thương nặng phải nằm ở một bệnh viện với trang thiết bị loại xoàng.

Sở VH-TT&DL cho biết hành khách bị thương nặng nhất là ông Nguyễn Ngọc Dũng đã qua đời trong ngày 19-2 tại Thái Lan, nhưng do trục trặc về thủ tục nên mãi đến tối 22-2 thi thể nạn nhân mới được đưa về nước để gia đình mai táng.

Cũng nguồn tin này cho biết theo hồ sơ của công ty báo cáo với sở, đã mua bảo hiểm cho du khách của Công ty bảo hiểm AIG (nay đổi tên thành Chartis). Chiều 26-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty bảo hiểm Chartis cho biết thông tin ban đầu cho thấy Công ty TNHH TM-DV-DL Chân Trời Việt chưa mua bảo hiểm cho đoàn khách 22 người đi du lịch Thái Lan từ ngày 16 đến 21-2, và cũng không có bất cứ yêu cầu hỗ trợ nào của công ty này suốt thời gian từ ngày 16-2 đến nay.

Nhiều cái lợi khi có bảo hiểm

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, một khách mua tour du lịch ra nước ngoài bằng máy bay ở một công ty du lịch đúng quy định sẽ được bảo hiểm ba lần. Công ty du lịch ở VN sẽ mua bảo hiểm trong thời gian đi tour, công ty đối tác ở nước ngoài mua bảo hiểm phòng ngừa rủi ro trên đất nước của họ suốt thời gian đi tour và hãng hàng không vận chuyển mua bảo hiểm chuyên chở hành khách.

Thông thường các công ty du lịch VN sẽ mua gói bảo hiểm có mức đền bù thiệt hại nhỏ nhất (mất hành lý, giấy tờ đền bù 1.000 USD; tử vong đền 10.000 USD, các chi phí trị bệnh, thuốc men...). Nhưng cũng có gói bảo hiểm vận chuyển cấp cứu bằng máy bay trực thăng, tử vong đền bù lên đến 50.000 USD...

Khi mua tour có bảo hiểm loại này, mỗi du khách sẽ có một mã số do công ty bảo hiểm cung cấp và do hướng dẫn viên giữ. Khi có sự cố xảy ra, hướng dẫn viên sẽ liên lạc và công ty bảo hiểm cử người đến hỗ trợ du khách theo mức độ bảo hiểm đã mua. Trường hợp khách bị thương nặng, họ sẽ chủ động đưa khách đến bệnh viện có đủ phương tiện cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân, chi trả mọi chi phí. Trường hợp hành khách tử vong, ngay lập tức sẽ đưa thi thể nạn nhân về nước.

Ông Vũ Huy Ngọc, Công ty du lịch Kỳ nghỉ - Vacation, cho biết có khách bị mất hộ chiếu khi đi Úc, mọi chi phí, ăn ở, đi lại... của khách này trong thời gian ở lại để làm hộ chiếu mới đều được công ty bảo hiểm hoàn trả. Ông Trần Đoàn Thế Duy, giám đốc khối du lịch nước ngoài Công ty du lịch Vietravel, cho biết mọi chi phí cho du khách bị té gãy tay, chân, rối loạn tiêu hóa phải nằm viện... cũng được bảo hiểm hỗ trợ ngay và lo toàn bộ chi phí.

Du khách phải đòi hỏi quyền lợi

Thực tế có rất nhiều “công ty du lịch tháng”, họ chỉ thành lập để hốt bạc trong mùa cao điểm du lịch. Sau đợt cao điểm họ giải tán công ty, chờ thời điểm thích hợp lại hoạt động dưới tên khác. Khách mua tour ở những công ty này sẽ gặp rủi ro rất lớn.

Trên thực tế nhiều công ty đã phớt lờ chuyện mua bảo hiểm cho du khách để giảm giá tour. Với gói tour đi Thái Lan 6 ngày 5 đêm mua bảo hiểm ở mức thấp nhất 1-1,5 USD/người/ngày, mỗi hành khách đã tăng thêm 6-9 USD trong khi tour đi Thái Lan các công ty cạnh tranh nhau từng USD trên mỗi khách.

Cũng do du khách ít quan tâm đã được bảo hiểm hoặc bảo hiểm mức độ nào nên một số công ty du lịch lập lờ chuyện mua bảo hiểm. Có công ty chỉ mua cho vài hành khách nào đó, có công ty chẳng mua nên khi xảy ra chuyện thì không kịp trở tay.

Bắt buộc phải mua bảo hiểm

Thủ tướng Chính phủ đã có nghị định 149 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, bắt buộc các công ty du lịch lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho du khách Việt Nam ra nước ngoài.

Thông thường các công ty du lịch lớn sẽ ký hợp đồng cả năm với công ty bảo hiểm cho một số lượng khách cố định nào đó. Khi đã có đoàn khách, công ty sẽ chuyển danh sách khách (họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà, điện thoại liên lạc...) để điền vào hồ sơ trước khi đoàn khách xuất ngoại. Các công ty du lịch nhỏ thường mua bảo hiểm khi đã có đủ danh sách đoàn và thông tin cá nhân của khách.

Du khách hoàn toàn có quyền yêu cầu được xem hợp đồng và hạn mức bảo hiểm mà công ty du lịch đã mua cho mình. Kiểm tra lại tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên lạc...đề phòng bất trắc có thể xảy ra.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.