Đừng lãng phí tài nguyên du lịch!

27/02/2010 23:46 GMT+7

Làm thế nào khai thác hợp lý tài nguyên, để du lịch VN cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như kỳ vọng?

Sai từ nhận thức

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, VN có một vị trí đặc biệt thuận lợi về đường biển. Nhưng thực tế thì lượng khách đến VN cũng như khách đi từ đường biển còn quá thấp. Đây là một thiệt thòi, một hạn chế rất lớn trong chiến lược phát triển toàn diện du lịch VN. Chiến lược du lịch VN 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 đã đặt ra yêu cầu về phát triển du lịch biển. VN cũng đã có một quy hoạch về kinh tế biển được Chính phủ thông qua nhưng hầu như chỉ nói đến quy hoạch cảng biển, phát triển công nghiệp; còn quy hoạch du lịch biển dù được nêu nhưng không rõ nét.

Nếu không có quy hoạch, đồng nghĩa với việc không có hệ thống hạ tầng tốt về cảng biển phục vụ du lịch, thì VN sẽ không bao giờ có sự tăng trưởng về khách du lịch qua đường biển. Hiện tại 80% khách du lịch quốc tế vẫn đến VN bằng đường hàng không. Không thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt bậc của khách du lịch qua đường hàng không, vì đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn về hạ tầng. Tại các nước có du lịch biển phát triển, phí dịch vụ bến bãi, đưa đón khách du lịch đi theo đường biển chỉ chiếm một phần nhỏ. Gấp ba - bốn lần số này là các chi phí khác phát sinh trong quá trình khách lưu trú. VN đã bỏ qua nguồn lợi này.

“Đó là vấn đề mà Báo Thanh Niên đã nêu, và cũng là ví dụ để chứng minh tại sao gần đây, khi đánh giá năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch thì một tạp chí nước ngoài chỉ xếp VN ở vị trí thứ 97 trong 133 quốc gia. Trong khối ASEAN, ta thua xa Singapore với vị trí thứ 7, Malaysia thứ 32 và Thái Lan đứng thứ 42, chưa nói đến các nước phát triển khác”, ông Cường bình luận.

Nguyên nhân của tất cả các vấn đề này, theo ông Cường xuất phát từ nhận thức. Thực tế, du lịch là một ngành kinh tế bền vững, tạo nhiều việc làm và đóng góp đáng kể GDP nhưng ở VN, nhiều cấp, ngành đến các địa phương vẫn coi đây như một hoạt động xã hội. “Một trong những vấn đề của du lịch VN là chuyện tổ chức bộ máy. Từ năm 1990 đến nay, đã 5 lần có sự thay đổi bộ máy, tách ra, nhập vào, rồi lại tách ra. Mỗi lần như vậy là một lần thay đổi nhận thức về quản lý và con người trong lĩnh vực du lịch. Gần đây, du lịch được gộp chung vào với ngành văn hóa và thể thao, có người đã nghĩ du lịch đang trở thành một hoạt động xã hội chứ không phải là một ngành kinh tế nữa. Theo tôi, nhận thức hiện đang là vấn đề quan trọng của ngành du lịch, giải quyết được nó là mở lối cho ngành du lịch”, ông Cường phát biểu.

Sai trong chiến lược

Trong hội nghị về du lịch do ba nước VN - Lào - Campuchia tổ chức năm rồi ở TP.HCM, đại diện ngành du lịch Campuchia hãnh diện tuyên bố “nói tới Campuchia là người ta nghĩ ngay đến Angkor Wat và ngược lại”. VN không làm được điều đó. Vịnh Hạ Long, cố đô Huế hay đô thị cổ Hội An chưa được đầu tư để ít nhất một trong số đó trở thành biểu tượng của du lịch VN. Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, phân tích: “Du lịch VN hiện vẫn quảng cáo bàng bạc, không có điểm nhấn mang tính biểu tượng quốc gia và đặc thù của từng vùng. Chính vì không xác định được đâu là trung tâm nhận khách, đâu là vệ tinh, đồng thời mỗi địa phương lại thích làm một kiểu, nên đã dẫn đến việc xây dựng sản phẩm trùng lặp làm lãng phí tài nguyên và gây nhàm chán cho du khách”.

Gắn bó với du lịch VN nhiều năm, chuyên gia Singapore, ông Robert Tan không khỏi lo lắng trước sự bùng nổ của du lịch Campuchia. “VN sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Campuchia để thu hút nguồn khách quốc tế. Du khách nước ngoài tới VN vì nhiều lý do, trong đó văn hóa và lịch sử là trước tiên. Sự khác biệt làm cho du lịch trở nên hấp dẫn hơn nhưng du lịch VN chưa tạo được sự khác biệt rõ ràng" - ông Tan đề cập. Theo chuyên gia này, để hạn chế lãng phí tài nguyên du lịch VN, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành trong quản lý, như môi trường, kiến trúc, thương mại, văn hóa... Ngành du lịch VN cũng nên “học” cách hiểu du khách muốn gì, cần gì từ sự hấp dẫn do mình tạo ra.

Từ kinh nghiệm của du lịch Thái Lan, Giám đốc Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch nước này tại TP.HCM - ông Pichai Raktasinha, cho rằng du lịch VN cần tăng cường quảng bá trên thế giới với ngân sách lớn hơn, sự kết hợp giữa các ngành trong lĩnh vực du lịch như nhà hàng, khách sạn, hãng lữ hành, hàng không, xe khách… phải chặt chẽ hơn. Một vấn đề nữa, là du lịch VN cần thiết phải có văn phòng đại diện ở nước ngoài. Hiện tại, Tổng cục Du lịch VN không có một văn phòng đại diện nào ở nước ngoài, trong khi Thái Lan có 24 văn phòng như vậy. “Quảng bá cho một thị trường nào đó, anh phải ở trong thị trường đó, chứ không thể ở trong nước mà “dài tay” vươn ra nước ngoài” - ông Pichai Raktasinha nói.

Ông Đỗ Quang Thông, Phó tổng giám đốc Bến Thành Tourist:
Cần sự phối hợp đồng bộ

Để du lịch VN phát triển và hạn chế được sự lãng phí, 5 đối tượng sau đây phải cùng tham gia. Thứ nhất là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, giải quyết mối quan hệ liên ngành, đầu tư ngân sách xứng tầm. Thứ hai là ngành du lịch trong xây dựng quy hoạch tổng thể, làm sao để có sức sống đến từng doanh nghiệp, chứ không phải chỉ có mỗi ngành biết tới. Thứ ba là các địa phương (các tỉnh, thành), hiện nay hầu như không xem trọng du lịch. Thứ tư là doanh nghiệp, gồm các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng... Các doanh nghiệp chỉ nghĩ tới lợi ích của họ, không như ở các nước là hợp tác chặt chẽ với nhau. Họ làm giá tour giống nhau, trong khi khách quốc tế vào VN bị “chóng mặt” với đủ giá tour. Cuối cùng là vai trò của cộng đồng địa phương, nếu chưa ý thức được vai trò của họ như thế nào trong khai thác du lịch là rất khó làm.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch:
Chi phí du lịch VN đắt nhất Đông Nam Á

Một trong những nguyên nhân làm giảm tính hấp dẫn của du lịch VN là giá cả. Tính theo giá chuẩn của một đoàn 20 khách ở khách sạn 3 sao, thì chi phí mặt đất (land fees) một ngày dành cho một khách mua tour thông thường ở Campuchia, Thái Lan là từ 25 - 30 USD, Malaysia 40 USD, thì VN khoảng 60 USD, gần bằng Singapore (70 USD). Như vậy chi phí du lịch tại VN đắt đỏ nhất khu vực Đông Nam Á (vì chất lượng dịch vụ của Singapore cao hơn VN). Tuy giá tour cao ngất ngưởng nhưng do thiếu dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm, nên thực sự tổng chi của một khách nước ngoài tại VN lại rất thấp. Hậu quả là có đến 85% khách đến VN “một đi không trở lại”.

Hướng dẫn viên du lịch Nguyễn Thị Minh Hồng:
Không có sự đổi mới, sáng tạo

Tôi thấy tour sinh thái miệt vườn ở miền Tây được khách nước ngoài rất quan tâm, nhưng hầu hết đều chỉ đi một lần, không quay lại. Nguyên nhân, các tour này lặp đi lặp lại mà không có sự đổi mới, sáng tạo. VN có nhiều tài nguyên du lịch, nhưng các tour tuyến còn hạn hẹp, chưa lấy được nhiều tiền của khách, dịch vụ kém... Nhất là nạn bán hàng rong, chèo kéo du khách vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. N.T.Tâm (ghi)

L.Quang Phổ - N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.