Vụ 3 công dân VN bị giết tại Angola: Các nạn nhân nữ có dấu hiệu bị ép bán dâm

01/03/2010 23:07 GMT+7

Hôm qua 1.3, gia đình 2 nạn nhân nữ cho biết đã gửi đơn lên Bộ Công an, Đại sứ quán hai nước đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết người thân của họ.

Theo anh Nguyễn Văn Hạ, em trai nạn nhân Nguyễn Thị Xuân (xã Kỳ Khang, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), năm 2009, gia đình chị Xuân nộp trên 100 triệu đồng cho một người cùng huyện để được đưa sang Angola. Theo thỏa thuận giữa hai bên, chị Xuân sẽ được người nhà của người môi giới sắp xếp chỗ ở, công việc là nấu ăn cho công nhân ở các công trình xây dựng, với mức lương từ 800 - 1.000 USD/tháng. Thế nhưng, khi sang đến nơi, chị Xuân không được bố trí công việc mà bị người nhà của người môi giới bắt ép đi bán dâm và nhiều lần đánh đập nếu không nghe lời. “Chúng tôi biết việc này vì có một số lần chị gọi điện về nhà khóc kể, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chị tôi đành nhắm mắt đưa chân”, anh Hạ kể. Được biết, chị Xuân đã lập gia đình nhưng chồng bị bệnh mất sớm, tái giá với một người khác thì người này bỏ đi để chị một mình nuôi 2 con, một 9 tuổi và một 3 tuổi. Hiện hai con chị Xuân đang được bà ngoại trông nom.

Còn người nhà nạn nhân Nguyễn Thị Hải cho biết chị Hải sang Angola cũng do người môi giới của chị Xuân đưa đi (quen biết nhau), với mức giá trọn gói là 100 triệu đồng, gồm tất cả các khoản chi phí, thủ tục xuất cảnh. Anh Nguyễn Văn Trung, em trai chị Hải, kể lại: “Trước khi chết, chị tôi có lần gọi điện về nói cuộc sống bên này cực khổ, định bỏ trốn nhưng bị chủ bắt trở lại và đánh đập”.

Theo lời người nhà các nạn nhân thì thời điểm chị Xuân, chị Hải bị giết là ngày 25.1 và hơn một tháng sau các thi thể mới được đưa về Việt Nam. “Theo một số người là bạn bè của chị tôi ở Angola thì chị tôi chết trong tình trạng trên người không một mảnh vải che thân, cơ thể bị nhiều vết đâm bằng dao, đồ đạc trong nhà bị mất toàn bộ. Cái chết của chị tôi còn nhiều uẩn khúc nên chúng tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ, kể cả vai trò những người ép buộc chị tôi phải bán dâm”.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc 3 lao động VN bị sát hại ở Angola, Cục đã có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán VN tại Angola có biện pháp làm rõ cái chết của các nạn nhân. Sau đó sẽ giải quyết trên cơ sở pháp luật của VN và Angola. Cũng theo ông Hải, hiện không có doanh nghiệp nào trong nước đưa lao động đi xuất khẩu ở Angola. Việc một số lao động sang Angola làm ăn là theo con đường không chính thức, có thể thông qua con đường du lịch, thăm người thân rồi ở lại. "Tình trạng làm việc “chui” như trên không chỉ ở mỗi Angola mà còn một số nước khác. Người lao động theo diện này thường xuyên bị chủ ngược đãi, thậm chí bị cướp bóc, bị đe dọa tính mạng mà không biết kêu ai bởi bản thân người lao động đã vi phạm pháp luật của VN và nước sở tại. Chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều, khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nên liên hệ với cơ quan lao động ở địa phương để được hướng dẫn, tránh tình trạng tiền mất tật mang”, ông Hải nói.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.