Được biết, chủ quán ở đây từng là “nạn nhân” của những quán mang mác bình dân nhưng thường chém đẹp. Vì kế sinh nhai và vì tức anh ách những quán ấy nên anh trở thành...chủ quán.
Chủ quán “mần” chuyên gia
Đặc biệt, chủ quán ở đây thuộc làu tập tính từng con cá, tép, rau, củ... miệt vườn. Anh sẵn sàng chia sẻ “mớ” kiến thức ấy với những ai ham học hỏi. Ví dụ trong họ cá lóc, có con cá giày, thịt ngọt thanh hơn. Nó thích sống trong những vùng nước phèn mặn của Đồng Tháp Mười, hình dáng tựa chiếc guốc, mỏ nhọn như miệng chuột. Thịt nó có thể chế biến thành nhiều món ngon tựa cá lóc. Tuy nhiên thịt cá giày “dữ” chứ không hiền như cá lóc. Phụ nữ đang mang thai hoặc người có bệnh phong ngứa, mà lỡ ăn thịt cá giày có thể bị hành “lên bờ xuống ruộng”. Tuy nhiên, giống cá này đang cạn kiệt dần ở Nam bộ.
Hay có loại cá linh lớn bằng con con cá đối, khoảng sáu, bảy con được một ký. Dân miệt sông nước còn gọi là cá linh “dìa”. “Mạng” chúng khá lớn. Theo con nước lũ của dòng Mê-kông, chúng từ Biển Hồ (Campuchia) lạc lối về Hồng Ngự, Châu Đốc, thế nhưng không mấy ai bắt được chúng. Mải mê rong chơi, chúng “đụng” lằn nước ngọt châu thổ, nên vội quay ngược về thượng nguồn. Chẳng may chúng bị mắc lưới “bén” và có khi ngoan ngoãn... lên đĩa của quán hà tiện.
Thông tin thêm: Quán Tạ Hiền ở 76A Nguyễn Trung Trực, P.3, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang. |
Thế giới rau dại
Những dịp hồi hương, không ít Việt kiều quê Nam bộ tranh thủ ghé lại quán này. Húp lại tô canh tập tàng nấu với tép, giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng, có người rưng rưng nước mắt.
Quả thật, tô canh tập tàng ở đây có gần chục loại rau dại, dạng hiếm: đọt choại, cải trời, cải đất, đọt chùm quao, bìm bát dây, dền hương, mướp đỉa… Có loại, quán phải đặt hàng tận những vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre như đọt choại, lá sầu đâu. Riêng mùa này, quán có nhiều đọt và bông sầu đâu, cải trời, cải đất...
Những hôm cần đi gom hàng, từ ba giờ khuya chủ quán đã theo xe đò từ Mỹ Tho xuống Tịnh Yên, Cao Lãnh đi chợ “ma”. Những chợ này nhóm rất sớm, có hôm vừa mờ sáng đã tan nên chết danh là chợ “ma”. Chính những chợ “ma” này mới có những nguyên liệu quán anh cần. “Có khi nhà còn bông lục bình, mà tôi vẫn phải mua thêm”, anh bộc bạch, “bởi tôi thấy mấy bà già quê lụm cụm, thức đêm, bán một rổ lục bình có năm ngàn đồng tội nghiệp quá! Với lại, mình làm vậy mới nuôi được mối hàng”.
Song cũng có những loại rau, chỉ cần anh ngồi nhà a-lô là có. Ví dụ như mướp đỉa: trái non gần bằng ngón chân cái, cong cong, da xanh mốc tựa con đỉa.
|
|
|
Toàn món độc
Có thể nói sản vật của quán này dư sức đại diện cho của ngon vật lạ vùng sông nước Cửu Long. Chúng từ bưng biền, nước ngọt, nước lợ… quy tụ về đây. Mới, có “xóm” khô một nắng: trâu, cá tra, sặc bướm... Con sặc bướm một nắng ở đây to cỡ hai ngón tay người lớn. Đầu bếp có thể đem chiên vừa vàng để ăn với cơm nóng, canh rau hay canh chua cá đồng. Ai thích “sương sương” thì yêu cầu nướng lên, xé nhỏ trộn gỏi xoài hườm bằm nhuyễn hoặc đọt sầu đâu, chấm nước mắm me hay mắm tỏi ớt cho thấm đẫm vị giác rồi lâng lâng thần khẩu. Hoặc muốn trị cơn nắng hạ đổ lửa, có người vào đây gọi cháo cá lóc đồng rau đắng đất hay canh hoặc đọt khổ qua luộc chấm cá rô mề kho quẹt, vừa bổ dưỡng vừa không sợ tăng cân. Nếu có về Tiền Giang, bạn có thể hỏi cánh xe ôm đường về quán Tạ Hiền để tự trải nghiệm.
Tấn Tới
Bình luận (0)