Iraq: Lương bổng cao khiến nhiều người ra tranh cử

07/03/2010 08:12 GMT+7

(TNO) Hôm nay (7.3), cử tri Iraq đã đi bầu nghị sĩ Quốc hội, và đây là lần bầu cử Quốc hội thứ hai kể từ khi quân đội Mỹ tấn công vào Baghdad hồi tháng 3.2003.

Lần bầu Quốc hội Iraq đầu tiên đã được tổ chức hồi tháng 12.2005. Những thăm dò trước bầu cử lần này cho thấy, khó có một tổ chức chính trị nào có thể chiếm được đa số, và điều đó dẫn đến khả năng bất ổn sẽ tiếp tục trên đất nước vốn đã chia rẽ, cả về sắc tộc lẫn tôn giáo này. Ngay chính cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq là ông Zalmay Khalilzad cũng dự báo là cử tri người Kurd sẽ bầu cho ứng viên người Kurd, cử tri Hồi giáo Shiite thì bỏ phiếu cho ứng viên người Hồi giáo Shiite, và cũng tương tự như thế với người Hồi giáo theo hệ phái Sunni hay những hệ phái khác. Nhiều chuyên gia nhận xét là sau bầu cử, các phe phái sẽ mất thêm vài tháng đàm phán trước khi hình thành được một tân chính phủ.

Một điều đáng ghi nhận là trong cuộc bầu cử Quốc hội 325 ghế lần này, có rất nhiều ứng viên ra tranh cử. Ủy ban bầu cử cho biết, có hơn 6.200 ứng viên thuộc 86 chính đảng, tổ chức, phe phái chính trị ra tranh cử đại biểu Quốc hội. Như vậy trung bình, cứ gần 20 ứng viên mới có được 1 người đắc cử, chưa kể khoảng 400 ứng viên đã bị loại khỏi danh sách vì có liên hệ với đảng Baath của cố Tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein.

Lý do chính yếu mà nhiều người Iraq ra tranh cử Quốc hội lần này là do lương bổng cùng những quyền lợi khác quá cao. Mức lương tháng của nghị sĩ Quốc hội Iraq cao gấp 30 lần so với mức lương tháng trung bình của công chức hạng trung ở nước này.

So sánh mức lương của nghị sĩ Iraq với một số nước:

 Tên quốc gia

Lương tháng của nghị sĩ Quốc hội (tính bằng USD) 

 Mỹ

 14.500

 Đức

 10.490

 Iraq

 9.400

 Li-băng

 7.000

Jordan

1.250

 Ai Cập

183

(Nguồn: The Wall Street Journal 5.3)

Như vậy, lương tháng của nghị sĩ Iraq được xem là một trong những mức cao nhất trong khu vực Tây Á, cao gấp hơn 50 lần so với đồng nghiệp người Ai Cập.

Tại Iraq, mức lương của các vị lãnh đạo quốc gia, của nghị sĩ Quốc hội và các thành viên nội các không công khai chi tiết, mà tất cả gộp lại thành một tiểu mục chung trong ngân sách hàng năm. Những tiết lộ về lương và bổng lộc là do 2 nghị sĩ của liên minh đang cầm quyền ở Iraq nói cho báo The Wall Street Journal. Chưa hết, nghị sĩ Quốc hội Iraq còn được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác, đặc biệt là mỗi người được nhận thêm mỗi năm 120 triệu dinar (tiền Iraq, tương đương khoảng 102.000 USD) để chi trả cho 30 nhân viên an ninh bảo vệ họ. Mỗi vị dân cử còn được ngân sách nhà nước chi cho mua 1 lần 1 chiếc xe bọc thép trị giá 70 triệu dinar.

Ngoài ra, để bảo đảm cho tương lai về sau, mỗi vị dân cử nếu không được tái cử lần này, thì sẽ được nhận khoản lương hưu bằng 80% mức lương hiện nay trong suốt cuộc đời còn lại.

Một số nhà lập pháp Iraq thừa nhận là họ nhận được quá nhiều ưu đãi. Thế nên có vị dân cử như ông Qasim Dawood đã thốt lên: “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy hổ thẹn về những lợi lộc cá nhân mà thành viên Quốc hội được hưởng”. Và có lẽ vì thế nên một trong những việc mà các thành viên Quốc hội sắp mãn nhiệm đã thực hiện, là bỏ phiếu thông qua ngân sách năm 2010, trong đó có việc tự cắt giảm 10% mức lương của họ.

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.