Gia đình bất hạnh
Căn phòng rộng chưa đầy 6m2, một cửa sổ nhỏ, một chiếc giường cá nhân và có hẳn hố xí bên trong. Cửa chính bị chặn bởi cánh cửa quây bằng lưới B40, khóa chặt. Từ năm 2005 đến nay, “cơ ngơi” nhỏ bé và nồng nặc mùi xú uế, mùi thuốc lá... ấy dành riêng cho Lê Ngọc Quý, người đàn ông từng được xem là khỏe nhất xóm ở thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành.
Mẹ ông Quý, cụ Bùi Thị Thu (giấy tờ ghi năm sinh 1930) không còn minh mẫn, quên cả số tuổi của chính cụ. Đương nhiên, cụ cũng không nhớ nổi tuổi của người con đang bị “nhốt”. Mỗi ngày, bà cụ ứa nước mắt chăm sóc, lo giặt giũ áo quần, cơm nước... cho đứa con đang phải nhốt. “Mỗi ngày nó lên cơn 2-3 lần. Trước đây, hễ lên cơn là đập phá đồ đạc, chửi rủa tôi thậm tệ. Nhưng thả ra là nó bỏ đi hay đập phá”, cụ Thu thở dài.
Hai mẹ con cụ Thu đang ở cùng con gái Lê Thị Ngọc Thái và con rể Nguyễn Đình Lợi (57 tuổi). Nhắc đến người bệnh, ai cũng xót. Bà Thái cho biết ông Quý đã 53 tuổi. Còn theo lời ông Lợi, 10 năm trước khi ông về ở rể, gia đình nhỏ của ông Quý đã tan đàn xẻ nghé. Ông Quý từng đi bộ đội, sau lấy vợ sinh được 2 con. Vợ chồng mâu thuẫn. Vợ ông dắt đứa con lớn (khi đó khoảng 12 tuổi) bỏ vào Tây Nguyên. Ông Quý nuôi đứa con nhỏ chưa đầy 4 tuổi. Ông Lợi nhớ lại: "Lúc đó anh Quý chưa bị bệnh. Dấu hiệu tâm thần chỉ xuất hiện khoảng 7 năm nay, không biết có phải do chuyện gia đình hay không. Hồi đó, anh nhớ con hay đi lang thang, ngủ bờ ngủ bụi. Hễ lên cơn là cầm dao rượt mọi người”.
Trong căn phòng khóa kín, ông Quý cười nói rất bình thường. Nhưng con người hiền lành ấy nhiều năm nay khiến gia đình khổ sở. Ông đập gãy cánh quạt vứt ra ngoài, bẻ ống nước dội hố xí, nhiều lúc không chịu đại tiện tại hố xí mà... leo thẳng lên giường. Ba năm trước khi lên cơn ông còn đánh cụ Thu gãy mũi phải đưa đi cấp cứu. Càng buồn hơn, L.N.A, đứa con nhỏ ở lại với ông Quý, cũng vừa bị bắt tạm giam hôm 4.2.2010 do vi phạm pháp luật.
Cầu cứu giúp
Cùng với cụ Thu, vợ chồng bà Thái - ông Lợi chính là những người chịu đựng những đợt lên cơn của người bệnh. Mãi đến năm 2005, gia đình bèn xây phòng “biệt giam”. Căn phòng lúc đầu rộng chừng 16m2, nhưng thấp lè tè. Đến khoảng tháng 10.2009, vợ chồng ông Lợi xây căn phòng hiện nay, diện tích hẹp nhưng cao ráo hơn. “Cả nhà mất ăn mất ngủ. Nhốt anh hoài cũng đau lòng lắm, nhưng không thể thả ra được!”, bà Thái than phiền.
Theo đơn thuốc cấp cho người bệnh, đều đặn mỗi ngày ông Quý uống 16 viên do trạm y tế xã hỗ trợ. Lúc ông Quý chưa trở bệnh nặng vẫn thường được người thân dẫn lên trạm xá khám. Đến năm 2008, sau vài năm “biệt giam”, người nhà có một lần đưa ông Quý ra Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam. Theo lời ông Lợi, họ chỉ ở được chừng 10 ngày phải đưa bệnh nhân về vì tốn kém quá, mỗi tháng tốn “tiền giữ” 600 nghìn đồng, tiền ăn 20-25 nghìn đồng/ngày. Trong khi bà Thái đang làm nghề xay xát thuê, công mỗi tháng 1 triệu đồng; ông Lợi hết nuôi bò vừa chuyển sang nghề cơ khí. Riêng mẹ con cụ Thu sống nhờ khoản phụ cấp 180 nghìn đồng/tháng của xã dành cho đối tượng tâm thần. “Vậy là phải đưa về... xây phòng nhốt lại”, ông Lợi tâm sự.
Điều rất lạ, nơi ông Quý bị “nhốt” suốt 5 năm chỉ cách trụ sở UBND xã Tam Xuân 1 chừng 400 mét nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Cho đến hôm qua 8.3, ông Bùi Văn Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã kiêm Chủ tịch Hội Từ thiện xã, mới biết chuyện khi PV Thanh Niên liên hệ và có một người hảo tâm ở TP Tam Kỳ đến tặng quà cho gia đình cụ Thu. “Hàng xóm biết, thôn biết nhưng không báo lên. Chúng tôi thực sự thiếu thông tin chứ không hề bỏ mặc”, ông Ngọc quả quyết.
Càng lạ hơn, ở xóm ông Quý đang bị “nhốt” có ít nhất 3 người bị tâm thần. Cạnh đó, thôn Phú Bình có thêm 4 trường hợp tương tự. Riêng ở thôn 2 Tam Xuân 1, đã 6 năm nay cô Hồ Thị Thảo (con bà Nguyễn Thị Thu Hà) bị gia đình xích chân vào ban đêm vì sợ bỏ đi lang thang. Cô Thảo hiện đang được ông Ngọc giúp làm thủ tục gửi đi chữa trị.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)