Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, ông Frank Siegmund, Chủ tịch tập đoàn IP-PLC cho biết, IP-PLC có kinh nghiệm nhiều năm trong xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện lớn trên thế giới.
Hiện tập đoàn này đang đầu tư khoảng 45 nhà máy điện ở 25 quốc gia trên thế giới. Cách đây một tuần, tập đoàn này đã hoàn thành kế hoạch về tài chính để đầu tư hai nhà máy điện tại Thái Lan và Indonesia.
Ông Frank Siegmund cũng cho biết, khi đầu tư xây dựng vào Nhà máy điện Sơn Mỹ (Bình Thuận) sẽ sử dụng chủ yếu nguồn lao động tại Việt Nam.
Riêng ông Morihito Kosuda, Chủ tịch Tập đoàn Sofitz của Nhật Bản cho rằng tập đoàn của ông là một liên doanh lớn từng thành công ở Việt Nam với thương hiệu xe máy Suzuki.
Đây là một tập đoàn chuyên đầu tư thương mại từng thành công với các nhà máy điện và cả lĩnh vực sản xuất phân bón. Ông Morihito cho biết, hiện nay Việt Nam là thị trường chiến lược của Sofitz với hàng chục liên doanh đang hoạt động hiệu quả.
Về phía Bình Thuận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng mong muốn các chủ đầu tư cần triển khai sớm dự án. Từ nay đến tháng 6 phải xác định được nguồn nhiên liệu nào sử dụng cho Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 (than hay khí) và sớm xác định vị trí từng khu vực của nhà máy.
Trước đó, vào cuối tháng 2.2010, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến đồng ý giao cho ba tập đoàn trên đầu tư Trung tâm điện lực Sơn Mỹ và Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ (H.Hàm Tân, Bình Thuận).
Được biết, Trung tâm điện lực Sơn Mỹ bao gồm ba nhà máy điện Sơn Mỹ 1, 2, 3 có tổng công suất 3.600 MW với vốn đầu tư 4,9 tỉ USD, hằng năm cung cấp sản lượng điện khoảng 23,4 tỉ KWh.
Tin, ảnh: Quế Hà
Bình luận (0)