Tại buổi tư vấn, đa số học sinh đặt câu hỏi liên quan đến những chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết quốc tế ở các trường ĐH. Về lĩnh vực này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia ĐH-CĐ 2010, cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM có rất nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết quốc tế. Những chương trình này tuyển sinh ban đầu dựa vào kết quả thi tuyển đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Còn PGS - TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin: trường có những chương trình đào tạo tiên tiến phối hợp với các trường của Mỹ, Canada, Úc, Anh... tuyển sinh thông qua hình thức xét tuyển, với mức điểm từ điểm sàn trở lên, mức học phí khoảng 3.000 USD/năm. Trường cũng có chương trình đào tạo tài năng với chỉ tiêu 100, nhưng mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh rất lớn.
Ban tổ chức chương trình trân trọng cảm ơn Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Thành Đoàn, Hội LHTN TP Đà Nẵng, Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng, trường ĐH Duy Tân, trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long (đơn vị tài trợ chính), Công ty cổ phần ô tô Trường Hải và Công ty cổ phần dịch vụ Phú Nhuận (đơn vị đồng tài trợ), Công ty TNHH dịch vụ - thương mại - thiết kế và quảng cáo Hòa Tín, Tập đoàn Mai Linh đã hỗ trợ xe để đưa đón đoàn tư vấn, giúp chương trình diễn ra thành công. Dịp này, các trường tham gia chương trình Tư vấn mùa thi cũng phối hợp với Báo Thanh Niên trao 15 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của khối THPT TP Đà Nẵng. Theo đó, ĐH Phương Đông Đà Nẵng 3 suất, ĐH Tài chính Marketing 2 suất, ĐH Lạc Hồng 3 suất, CĐ Bách khoa Đà Nẵng 2 suất, ĐH Đông Á 2 suất, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng 2 suất, CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân 1 suất. Trước đó, tại buổi Tư vấn mùa thi ở Quảng Nam, trường CĐ Đông Du đã trao 2 suất học bổng trong số 15 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường THPT Bình Đào. |
TS Trần Đình Khôi Quốc - Phó ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cũng thông tin thêm về các chương trình đào tạo liên kết quốc tế của ĐH Đà Nẵng, trong đó chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao liên kết với Pháp, chương trình đào tạo tiên tiến liên kết với trường ĐH tại Mỹ, ngành Xây dựng liên kết đào tạo với Nhật Bản. Để vào học những chương trình này, yêu cầu thí sinh phải trúng tuyển vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Học sinh Nguyễn Thanh Hoa (trường THPT Phan Chu Trinh) thắc mắc: "Thường các chương trình đào tạo liên kết quốc tế tuyển sinh những khối nào?". TS Lê Thanh Hải - Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, trả lời: Để vào học các chương trình đào tạo tiên tiến của ĐH Duy Tân, thí sinh thường phải thi tuyển theo các khối A, B, cụ thể là ở chương trình tiên tiến đào tạo về ngành Công nghệ thông tin và ngành Kinh tế liên kết với trường ĐH của Mỹ.
Quan tâm đến việc chọn ngành học, học sinh Nguyễn Văn Hải (trường THPT Trần Phú) hỏi: "Làm thế nào để biết được ngành học mình sắp chọn có thể tìm được việc làm?". Tiến sĩ Lê Công Toàn - Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, cho biết đối với sinh viên của trường, ngoài việc đào tạo kiến thức, trường còn quan tâm nhiều đến việc đào tạo những kỹ năng mềm về ứng xử, giao tiếp và những kiến thức bổ trợ nhằm giúp sinh viên có thể tìm được việc làm dễ dàng hơn khi tốt nghiệp. Thạc sĩ Huỳnh Tấn Châu - đại diện ĐH FPT, cũng tư vấn về vấn đề này khi cho hay sinh viên của trường thường được trang bị 2 ngoại ngữ: ngoài tiếng Anh đạt điểm TOEFL 500, còn có thêm ngoại ngữ tiếng Nhật hoặc tiếng Trung. Với việc trang bị này, sinh viên có thể thuận lợi hơn khi tìm việc làm.
Chiều cùng ngày, tại trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), gần 700 học sinh của trường đã tham gia tiết học "Mỗi lớp học một chuyên gia". Tuy thời gian dự kiến ban đầu chỉ 1 tiết, nhưng do học sinh của trường có rất nhiều câu hỏi dành cho những chuyên gia tư vấn, nên thời gian phải kéo dài thêm để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về tuyển sinh của các em.
Tài trợ chính | Đồng tài trợ |
Diệu Hiền
Bình luận (0)