Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện nay tình trạng lấn chiếm đất diễn ra ở khá nhiều nơi. Nhiều trường hợp phần lấn chiếm còn lớn hơn diện tích được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Từ thực tế này, ông Hiển cho rằng, luật quy định chỉ thu thuế đối với phần diện tích được ghi trong GCNQSDĐ là chưa đầy đủ, thiếu tính bao quát, và đề nghị: "Bổ sung thu thuế, với thuế suất 0,15% đối với đất lấn chiếm. Việc thu thuế không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích đất lấn chiếm".
Cùng quan điểm với UBTC-NS, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, thu thuế cao đối với đất lấn chiếm sẽ góp phần hạn chế việc người dân lấn đất.
Thế nhưng văn bản hiện hành nghiêm cấm việc lấn chiếm đất, từ đó Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng cho rằng: "Nếu thu thuế đối với đất lấn chiếm, tức là luật công nhận việc lấn chiếm. Như vậy là không được, sẽ phá vỡ quy định của pháp luật".
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận bày tỏ: "Về lý thuyết tôi hoàn toàn tán thành với anh Vượng, đất lấn chiếm nhất định phải thu hồi, nhưng trên thực tế, chưa chính quyền nào dám đập bỏ phần lấn chiếm ở các khu tập thể". Theo ông Thuận, giải quyết vấn đề này phải đảm bảo được lợi ích của Nhà nước. "Tôi ủng hộ quan điểm của UBTC-NS", Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nói.
Không đồng tình với ý kiến của ông Thuận, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn dứt khoát: "Đề nghị thu thuế theo diện tích cấp trong GCNQSDĐ, nếu thu thuế đối với diện tích lấn chiếm, vô hình trung là thừa nhận đất lấn chiếm".
Chủ nhiệm UBTC-NS Phùng Quốc Hiển đứng dậy: "Đã lấn chiếm, mà không bị thu thuế thì người vi phạm vỗ tay trong túi".
Ủng hộ quan điểm thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm, Chủ tịch UB Dân tộc của QH Ksor Phước kiến nghị: "Đối với các trường hợp lấn chiếm nhưng chưa đập bỏ được thì phải thu thuế, năm đầu thu 0,15%, năm thứ hai có thể thu 20%, càng về sau thu càng cao, thu cho người vi phạm phải dứt khố ra đi".
Kết luận nội dung thảo luận trên, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: "Đã sử dụng đất thì phải có trách nhiệm với Nhà nước, coi việc thu thuế đối với diện tích lấn chiếm như một hình thức xử phạt, và luật ghi rõ là việc thu thuế này không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích đất lấn chiếm".
Đất ở càng lớn, thuế suất càng cao
Về thuế suất đối với đất, dự thảo luật đã trình QH quy định, diện tích đất ở trong hạn mức có thuế suất là 0,03%/năm, đối với phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức thì thuế suất là 0,06%/năm, đối với phần diện tích trên 3 lần hạn mức thì thuế suất là 0,09%/năm.
UBTC-NS tán đồng với hai mức thuế suất đầu, nhưng đối với phần vượt quá 3 lần diện tích hạn mức, UB này đề nghị thu 0,1%/năm.
Trên cơ sở phân tích những tác động của việc thu thuế nhà, tập hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, UBTC-NS đề nghị, trước mắt chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế. Các ý kiến phát biểu đều đồng ý với quan điểm của UBTCNS.
Thu thuế môi trường: Lo lắng tăng chi phí đầu vào
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thuế môi trường. Theo dự luật, có 5 nhóm hàng hóa phải chịu thuế môi trường, gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, sẽ bỏ thu phí xăng dầu khi tiến hành thu thuế môi trường đối với mặt hàng này. Vì vậy, mức thuế tối thiểu đối với xăng được quy định bằng với mức phí xăng dầu hiện hành (1.000 đồng/lít). Chính phủ đề xuất, mức thuế tối đa đối với xăng là 4.000 đồng/lít, dầu là 2.000 đồng/lít (tương đương khoảng 25% giá bán hiện hành).
Mức thuế tối thiểu của than bằng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành (6.000 đồng/tấn, tương đương khoảng 1% giá bán), mức thuế tối đa là 30.000 đồng/tấn (tương đương khoảng 5% giá bán).
Túi nhựa xốp bị đánh thuế cao nhất, thu 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg (khoảng 100 - 150% giá bán hiện hành, 1 kg túi nhựa xốp có giá 20.000 đồng), mục đích là nhằm làm tăng giá bán túi nhựa, khiến người bán hàng không dám phát túi miễn phí "thoải mái" như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nếu thu thuế môi trường ở mức tối thiểu, Nhà nước sẽ thu thêm được khoảng 14.300 tỉ đồng/năm, còn theo mức tối đa sẽ được 57.000 tỉ đồng/năm.
Chủ nhiệm UBTC-NS Phùng Quốc Hiển cho biết, một số ý kiến trong Thường trực UB này cho rằng, biên độ khung thuế suất đối xăng dầu là rộng, mức trần 4.000 đồng/lít xăng là cao. "Nếu áp dụng mức thuế suất như quy định của dự luật, cho dù có trừ phí thì giá xăng dầu vẫn sẽ tăng, đồng thời dẫn đến tăng giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ có sử dụng xăng dầu", ông Hiển lo lắng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ: "Thu thuế môi trường sẽ tăng thu cho ngân sách nhưng đây toàn là những nguyên liệu đầu vào. Giá hiện nay đã cao rồi, bây giờ mỗi thứ tăng lên một ít thì sức chịu đựng, đảm bảo khả năng cạnh tranh sẽ phải tính toán thế nào?". Cùng chung mối lo trên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH lên tiếng: "Thu thuế môi trường đối với thuốc bảo vệ thực vật sẽ tác động tới đầu vào của người trồng lúa khoảng 12%, như vậy sẽ tác động với đầu ra như thế nào?".
Khung thuế môi trường đối với một số mặt hàng
Xuân Toàn
Bình luận (0)