Máy điều hòa nhiệt độ: Tiết kiệm điện

18/03/2010 11:10 GMT+7

(TNTT>) Theo các trung tâm, siêu thị điện máy, tiêu chí chính để chọn mua máy điều hòa nhiệt độ trong mùa nóng này là tiết kiệm điện…

Theo đại diện trung tâm điện máy Gia Thành (TP.HCM), những ngày qua, hầu hết người tiêu dùng đến siêu thị mua máy điều hòa nhiệt độ (ĐHNĐ) đều hỏi mua máy có tính năng tiết kiệm điện để ứng phó trước tình hình giá điện tăng cao. Tiết kiệm điện là tiêu chí hàng đầu trong việc chọn hàng của khách hàng chứ không phải là sản phẩm được áp dụng công nghệ mới như công nghệ tạo ion, nano… giúp diệt khuẩn, lọc không khí… Cũng cùng nhận định như trung tâm điện máy Gia Thành, ông Liên An Thạch – Giám đốc kinh doanh siêu thị điện máy Chợ Lớn cho biết thêm, dự đoán sức mua máy ĐHNĐ tiết kiệm điện trong mùa nóng năm nay sẽ tăng từ gấp 2 đến gấp 3 lần so với mùa nóng năm ngoái. Không chỉ riêng Panansonic có sản phẩm áp dụng công nghệ inverter giúp tiết kiệm điện từ 30-50% mà rất nhiều hãng khác như Daikin, Toshiba, Samsung, LG… cũng không bỏ qua cơ hội, cho nên dù sức mua tăng cao nhưng thị trường vẫn đảm bảo không thiếu hàng, người tiêu dùng không cần đặt hàng trước hàng tuần mới mua được như những mùa nóng trước.

Còn về giá bán, so với cuối năm ngoái, đồng loạt các thương hiệu máy ĐHNĐ đều đã tăng từ 2-10%. Nguyên nhân ngoài do ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá USD, việc tăng giá xăng dầu còn do sức mua tăng cao... Hiện máy ĐHNĐ loại thường của Panasonic có công suất 1Hp giá khoảng 6 triệu đồng/cái (tăng 500.000 đồng), loại thường của Samsung có công suất 1Hp giá khoảng 4,4 triệu đồng/cái (tăng 400.000 đồng); máy ĐHNĐ loại tiết kiệm điện của Panasonic, Daikin, Toshiba có công suất 1Hp thì giá tầm khoảng 8,5 triệu đồng/cái; máy ĐHNĐ loại tiết kiệm điện của Samsung, LG… có công suất 1Hp thì rẻ hơn một chút, khoảng 8 triệu đồng/cái...

Tuy nhiên, “nếu được giới thiệu máy có giá bán thấp hơn, tầm khoảng 4-5 triệu đồng mang các thương hiệu mới lạ có xuất xứ từ Trung Quốc được quảng cáo tiết kiệm điện thì người tiêu dùng cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ vì có thể đó chỉ là những lời quảng cáo suông, chứ máy không hề được áp dụng công nghệ mang lại tính năng tiết kiệm điện” – ông Thạch chia sẻ.

Thông tin thêm

Song song với nhu cầu sắm máy mới, nhu cầu bảo trì cũng tăng cao không kém trong những ngày qua. Bên cạnh những đơn vị làm ăn chân chính thì cũng có những đơn vị làm ăn gian dối, cố vẽ vời để “móc túi” khách. Theo PGS. TS Lê Chí Hiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ nhiệt-lạnh, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi “chọn mặt gửi vàng”. Các chiêu được áp dụng thường xuyên gồm:

- Châm gas. Thợ sửa có thể nói với gia chủ hiện máy làm lạnh chậm (hoặc lạnh ít) là do bị thiếu gas, nhưng thực chất có thể do bị bụi bám nhiều, làm vệ sinh xong sẽ khắc phục được.

- Khuyên gia chủ lắp đặt thêm thiết bị ổn áp để giúp bảo vệ máy. Máy ĐHNĐ sẽ dễ bị hỏng khi điện áp thường xuyên bất thường. Nhưng nếu điện áp nhà bạn vẫn ổn định thì đừng nghe lời vẽ vời. Mà ngược lại, nếu lắp đặt ổn áp không đúng với công suất của máy sẽ gây hư hỏng ổn áp trong thời gian ngắn, còn gây tiêu hao thêm điện.

-Tư vấn gắn thiết bị tiết kiệm điện. Không có thiết bị nào gắn vào giúp máy ĐHNĐ tiết kiệm điện cả, việc này chủ yếu là do cách sử dụng, cách lắp đặt và chọn chiếc máy được chế tạo theo công nghệ tiết kiệm điện…

Vệ sinh máy lạnh

Vệ sinh máy lạnh tùy thuộc vào môi trường sử dụng, nơi ít bụi bẩn thì ba tháng có thể vệ sinh một lần. Những bộ phần cần vệ sinh thường xuyên là mặt nạ, lưới lọc ở dàn lạnh bên trong nhà.

Cách vệ sinh máy: lật mặt nạ máy lạnh, gỡ tấm lưới ra chùi rửa bằng bàn chải, nước và sau đó ráp lại theo đúng khớp. Lau chùi hoặc dùng máy hút bụi để hút bụi bẩn bám vào bên mặt trong của máy, các cánh đảo gió.

Những bộ phận của dàn nóng cũng cần làm vệ sinh định kỳ 3-6 tháng/lần. Những bộ phận này cần đến thợ chuyên môn vì phải dùng những thiết bị, hóa chất chuyên dùng để hút bụi bẩn, tẩy các chất dơ bám vào dàn nóng.

Liễu Nguyễn

Minh Tuệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.