Chuyện thường ngày ở huyện
Hãm hiếp chẳng phải là chuyện gì bất bình thường ở đất nước Haiti ngay cả trước khi động đất xảy ra. Nó thậm chí là một công cụ trả thù chính trị. Cả 2 lần vị Tổng thống dân cử đầu tiên của Haiti là Jean-Bertrand Aristide bị hất văng ra khỏi ghế tổng thống, các kẻ thù chính trị của ông đều tiêu diệt cấp dưới và những người ủng hộ ông rồi hãm hiếp vợ con họ.
|
Nhưng sau trận động đất kinh hoàng hồi tháng 1 vừa qua, vốn đã cướp đi mạng sống của khoảng 200.000 người, nguy hiểm càng rình rập phụ nữ và các bé gái nhiều hơn. Động đất đã cướp đi ngôi nhà che chắn họ, buộc họ phải ngủ trong những túp lều tạm bợ chen chúc trong các khu trại tồi tàn đông đúc. Họ mất chồng, mất cha, mất con trai, mất anh em trai - những người có thể bảo vệ họ. Họ buộc phải ngủ ngay sát những người xa lạ.
Trong số không biết bao nhiêu là nạn nhân ở khu trại có tới 47.000 người sống ở Port-au-Prince có một cô gái 18 tuổi đã mất cả cha mẹ, bà, chị và 3 người anh em họ sau trận động đất. Hãng thông tấn AP kể lại câu chuyện tủi nhục của cô, khi cô đang lang thang như người mất trí trên đường phố, không người thân, không nơi nương tựa. Một gã đàn ông làm mặt tử tế đã đến gần cô gái, bảo cô theo ông về nhà để được vợ ông ta chăm sóc.
Gã đàn ông trung niên đã đưa cô tới một ngôi nhà rồi quay đi. Một lát sau, ông ta trở lại với 2 người đàn ông nữa. Cả 3 thay nhau hãm hiếp cô gái cho tới khi cô vùng vẫy thoát ra được. Rồi cô lại lang thang ngoài đường, không người thân, không nơi nương tựa trong khi các vụ hãm hiếp không ngày nào mà không xảy ra xung quanh cô.
Khi tắt nắng là lúc các vụ cưỡng hiếp gia tăng. Ngày nào cũng xảy ra hãm hiếp ở tất cả các khu trại tại Port-au-Prince.
|
|
Alison Thompson - điều phối viên y tế của một tổ chức nhân đạo ở Haiti - cho biết |
Ở bệnh viện dã chiến của khu trại nằm ở ngoại ô của Petionville, một bé gái 7 tuổi đang được điều trị sau khi bị hãm hiếp. Cũng tại khu trại này cách đây 2 tuần, một bé gái mới 2 tuổi khác đã rơi vào "hang sói".
Những kẻ hãm hiếp phụ nữ có tí quyền lực trơ trẽn đến độ đòi các cô gái trẻ phải “phục vụ” rồi mới phát các phiếu nhận thực phẩm cứu trợ cho họ. Một báo cáo hôm 16.3 vừa qua của Viện nghiên cứu và phát triển liên đại học Haiti cho biết đổi tình dục lấy thức ăn không phải là chuyện gì lạ ở các khu trại dành cho nạn nhân động đất. “Đáng quan ngại nhất là các cô gái trẻ. Nhiều người trong số họ phải thương lượng đổi chác tình dục mới có được tấm lều che mưa hay nhận được thức ăn cứu trợ”, báo cáo cho biết.
Sợ
Một trong những lý do dễ thấy nhất đằng sau những vụ cưỡng hiếp lan tràn này là vì nạn nhân không bao giờ dám lên tiếng. Một bà mẹ 21 tuổi vừa cho con bú vừa nức nở sau khi bị cưỡng hiếp: “Cháu quá xấu hổ. Mẹ con cháu rất sợ người ta sẽ biết sự thật và khinh bỉ chúng cháu”.
|
Định kiến xã hội cộng với nỗi sợ hãi bị chính những kẻ tấn công trả thù khiến cho các nạn nhân phải cắn răng chịu đựng nỗi tủi nhục. Ngoài ra, họ còn chịu nỗi ám ảnh có thai, bệnh truyền nhiễm và có HIV/AIDS. Haiti chính là đất nước có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tây bán cầu: 1/50.
Tất nhiên, phụ nữ chẳng có lý do gì để sợ nếu họ được luật pháp bảo vệ.
AP dẫn lời Delva Marie Eramithe, một trong những thủ lĩnh tổ chức mang tên KOFAVIV, cho biết những nạn nhân hiếm hoi dám lên tiếng thường bị cảnh sát hạ nhục rằng chính họ mồi chài những kẻ tấn công. KOFAVIV là tổ chức các phụ nữ Haiti đã vượt qua được vụ cưỡng hiếp chính trị hồi năm 2004. Trụ sở của họ đã đổ sập sau vụ động đất và họ đang làm việc trong một túp lều.
Chính con gái của Eramithe từng bị một gã đàn ông kéo vào một khu hẻm tối định giở trò nhưng được 3 chị em gái cứu. Kẻ tấn công sau đó đã trở lại lều của nhà Eramithe cùng với một khẩu súng và 3 người đàn ông khác. Trong khi một người hàng xóm của Eramithe đang cố gắng can ngăn, Eramithe và các con đã chạy đến đồn cảnh sát chỉ cách đó vài chục bước chân. “Nhưng một viên cảnh sát bảo ngày nào họ cũng nghe chuyện hãm hiếp, trộm cắp, bạo hành gia đình và họ chẳng thể làm gì cả. Một viên cảnh sát khác thì tuyên bố chỉ có một người giải quyết được mấy chuyện này là Tổng thống Preval!”, Eramithe kể với AP.
Khi mấy mẹ con Eramithe không chịu về, một cảnh sát chỉ cho họ chiếc xe đi tuần trong khu trại. Và khi Eramithe đến nơi, viên cảnh sát trên xe đáp rất ngắn gọn: “Hãy đưa những kẻ hãm hiếp tới đây!”.
Đoan Nhật
Bình luận (0)