Theo mạng Tin tức Quảng Tây, ngày 16.3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Đông Hưng đã tuyên án cho 25 bị cáo trong một vụ án xã hội đen khá đặc biệt. Trong đó tên cầm đầu Hoàng Vĩnh Tựu phải chịu mức án 18 năm tù cùng khoản tiền phạt 2,15 triệu tệ.
Tập đoàn xã hội đen này đã được báo chí nước này châm biếm là “nhiệt tình quá mức”, đã kỳ công xây dựng cả một đường dây dịch vụ du lịch Trung - Việt, chăm sóc khách hàng quá “kỹ lưỡng”, lợi dụng việc đưa khách Trung Quốc sang TP Móng Cái (Việt Nam) du lịch để ép khách phải đến ăn ở, mua sắm tại những địa điểm mà chúng chỉ định với hàng giả nhưng bán giá thật. Từ đó chúng thu lời bất chính. Ai không nghe theo sẽ bị đánh đập, khủng bố tinh thần, thậm chí bị cướp trắng tài sản.
Theo điều tra của Tòa án nhân dân TP Đông Hưng, từ tháng 10.2007 tới tháng 11.2008, chúng đã lừa tới hơn 44 vụ với 91 nạn nhân ở rải rác trên 20 tỉnh, thành, đưa lọt 125 lượt người vượt biên phi pháp sang Việt Nam. Tổng số tiền lừa đảo và cướp bóc của khách đã lên tới 6 triệu tệ.
Chân dung tên “đồng hương” lừa đảo
Khi được đưa sang Móng Cái bằng thuyền, họ được đưa thẳng tới một khu mua sắm và tại đây, màn kịch đã diễn ra khi người bán hàng như tình cờ tiết lộ ông chủ ở đây cũng là người Chiết Giang. “Người đồng hương” lập tức xuất hiện, cảm động rưng rưng khi gặp được người cùng quê ở nơi đất khách. “Người đồng hương” tự xưng tên Hoa, kể rằng bố ông sang Việt Nam làm việc và sinh sống ở đây nhiều năm, bản thân ông đã trưởng thành tại đây và có chức sắc trong Đội Chống buôn lậu hải quan Việt Nam. Trong lúc trò chuyện, “người đồng hương” còn nhắc tới không ít danh lam thắng cảnh và những đặc điểm của vùng Chiết Giang, khiến các nạn nhân không chút nghi ngờ. “Người đồng hương” vui miệng khoe được quyền “giải quyết nội bộ” hơn 3.000 chiếc đồng hồ Rolex hàng lậu và ngỏ ý sẵn sàng bán rẻ lại làm kỷ niệm với giá cực mềm: 3.500 USD/chiếc trong khi giá thị trường quốc tế lên tới 35.000 USD/chiếc. Cảm động trước tấm lòng của “người đồng hương”, những nạn nhân nhẹ dạ đã mắc lưới với tổng cộng 142.800 tệ. Sau khi ngồi thuyền quay về Đông Hưng, họ vẫn cảm động vì tấm lòng của “người đồng hương” tốt bụng. Chỉ khi gọi điện cám ơn không thấy số máy liên lạc được, họ mới nghi ngờ mang đồng hồ đi kiểm tra và ngã ngửa ra mình bị lừa đảo.
Các nạn nhân đều không thể biết rằng họ đã bị rơi vào một cái bẫy đã được tính toán kỹ lưỡng. Những người mà họ tiếp xúc trong suốt quá trình sang Móng Cái như anh tài xế xe hơi, người lái thuyền, nhân viên tiệm mua sắm, người đồng hương... thực chất đều là đồng bọn. Ngay từ đầu, chúng mượn cớ photo chứng minh thư làm thẻ xuất nhập cảnh để kịp thời báo cho đồng bọn lên kế hoạch chuẩn bị. “Tên đồng hương” nhanh chóng tra tư liệu trên mạng để biết về một số địa danh ở Chiết Giang, nhằm tạo hiệu quả tin tưởng khi gặp mặt...
Phân công khoa học nhưng vẫn sa lưới
Để kín kẽ những việc làm ăn bất chính, Hoàng Vĩnh Tựu đã lôi kéo 7 anh chị em ruột và các cháu cùng làm và phân chia công việc rất rành mạch: anh Ba Vĩnh Tựu và anh Sáu Vĩnh Hoa là nhân vật nòng cốt của tập đoàn; con trai của anh Hai tham gia cướp của khách; anh Tư giữ nhiệm vụ cất giấu những thu nhập bất chính; anh Năm mua xe hơi chở khách, phụ trách đưa đón khách; Đàm Quốc Thanh - chồng của cô Bảy giữ nhiệm vụ giám sát khách; bố của Quốc Thanh cùng một ông cậu của Vĩnh Tựu cùng giữ nhiệm vụ đưa khách qua biên giới; Lưu Ngọc Anh - vợ của Vĩnh Tựu - quản lý khách sạn Quảng An - nơi khách bị ép về nghỉ - và phụ trách kế toán, phân chia tiền bạc cho các thành viên...
Để bảo đảm nguồn khách rơi vào lưới mình, Vĩnh Tựu và Vĩnh Hoa đã ký hợp đồng thuê nhiều khu vực quanh Bến xe Đông Hưng và các khách sạn, nhà trọ với cam kết để chúng độc chiếm dịch vụ đưa khách xuất cảnh sang Việt Nam. Vĩnh Tựu còn trả lương rất cao cho một vài nhân vật có ảnh hưởng ở địa phương đó trông nom địa bàn cho mình và hợp tác kéo khách...
Sở dĩ tập đoàn xã hội đen kiểu gia đình này bị sa lưới do phần lớn các nạn nhân sau khi bị lừa đảo đều uất ức đi tố cáo.
Ngọc Bi
Bình luận (0)