Lựa chọn nguyện vọng phù hợp năng lực

20/03/2010 04:09 GMT+7

Để giúp thí sinh (TS) tránh sai sót trong quá trình làm hồ sơ dự thi ĐH-CĐ, Thanh Niên phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - thành viên Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia.

* Xin ông cho biết thí sinh thường mắc phải những sai sót nào khi ghi hồ sơ đăng ký dự thi?

- Tuy các trường THPT đã có hướng dẫn khá chi tiết nhưng vì hầu hết TS đều mới tham gia thi lần đầu (khoảng 70% tổng số TS) nên thường lúng túng khi khai hồ sơ ĐKDT, thậm chí khai sai do không có các thông tin cần thiết hoặc do hiểu không đúng. Ví dụ, mục 3 của hồ sơ ĐKDT không phải là nơi TS đăng ký nguyện vọng 2 (NV2) mà chỉ là mục dành cho các TS muốn học ở những trường không tổ chức thi. Một dạng sai sót khác là do không có thông tin về mã ngành, mã trường ĐH-CĐ, mã tỉnh, mã huyện, mã trường THPT nên nhiều TS bỏ trống các mục này hoặc ghi không đúng, khiến cho các chuyên viên nhập dữ liệu phải xử lý rất mất thời gian. Nếu các sai sót này không được xử lý khắc phục sớm thì sau khi TS nhận được giấy báo thi, TS phải rắc rối làm thủ tục điều chỉnh.

* Để tránh sai sót không đáng có trong quá trình làm hồ sơ ĐKDT, theo tiến sĩ các TS cần phải chú ý điều gì?     


Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

- Để kê khai hồ sơ TS cần đọc kỹ hướng dẫn khai hồ sơ ĐKDT được in ở mặt sau của túi đựng hồ sơ ĐKDT. Cần nhớ rằng hồ sơ ĐKDT đòi hỏi chính xác cao. Về các chi tiết nhân thân (họ và tên, ngày tháng năm sinh, đối tượng và khu vực ưu tiên...) thì phải phù hợp với các giấy tờ tùy thân hiện có như CMND, giấy khai sinh, hộ khẩu... Về những chi tiết liên quan đến quy định tuyển sinh như mã trường THPT, mã ngành, mã trường ĐH-CĐ, mã tỉnh, mã quận, huyện thì TS cần tham khảo các tài liệu chính thức của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ như “Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2010” và  quyển Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2010, cũng như “Danh mục mã trường THPT 2010 của cả nước”. Sở GD-ĐT của từng địa phương đều có tập huấn tuyển sinh cho các trường THPT, do vậy, khi có những điểm thắc mắc hoặc chưa rõ về khai hồ sơ ĐKDT thì TS có thể hỏi trực tiếp ở các thầy cô có trách nhiệm.

* Là thành viên của Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia kỳ thi CĐ, ĐH năm 2010, tiến sĩ có thể cho các TS lời khuyên về việc lựa chọn 3 NV hợp lý, chính xác?     

- Chúng tôi muốn lưu ý rằng khi làm hồ sơ ĐKDT mỗi TS chỉ có 1 NV, vì như đã nói ở trên, mục 3 không phải để đăng ký NV2, NV3. Với phương thức thi “ba chung”, dù có nộp bao nhiêu bộ hồ sơ ĐKDT thì trong mỗi đợt thi, TS chỉ có thể dự thi thực tế tại một trường. Vì vậy, trước khi nói đến việc chọn lựa NV2, NV3 thì điều quan trọng nhất đối với TS là chọn NV1 (là NV mà TS ghi trong hồ sơ ĐKDT) cho phù hợp với sở thích và năng lực học tập của chính mình. Sở dĩ đây là điều quan trọng nhất vì phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh (khoảng 70% - 80% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cả nước) dành cho NV1, thậm chí có nhiều ngành, nhiều trường không xét tuyển NV2, NV3. Hơn thế nữa, chỉ có các TS có điểm thi từ điểm sàn trở lên mới được tham gia xét tuyển NV2, NV3 nên mức độ cạnh tranh để trúng tuyển NV2, NV3 cũng cao hơn, nghĩa là cơ may trúng tuyển theo NV2, NV3 cũng khó khăn hơn.

Việc đăng ký xét tuyển NV2, NV3 chỉ diễn ra sau khi có kết quả thi, điều cần thiết là TS phải có đầy đủ các thông tin như ngành nào, trường nào có xét tuyển NV2, NV3; điểm xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh là bao nhiêu, thời hạn nộp hồ sơ, các điều kiện bổ sung...

Chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 khi nào đã thu thập đầy đủ các thông tin vì kết quả xét tuyển được lấy từ điểm cao xuống đến điểm thấp chứ không phải theo thời gian nộp trước hay nộp sau.

Thiên Long -Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.