Tay nổi mụn nước

20/03/2010 11:35 GMT+7

(TNTT>) Dân gian gọi là bệnh tổ đỉa, theo thuật ngữ y học là bệnh chàm. Bệnh phổ biến do dị ứng hóa chất, thực phẩm hoặc môi trường.

Chị Hằng (bệnh nhân ở Chánh Hưng, Q.8, TP.HCM) chìa bàn tay bị nổi mụn nước cho bác sĩ da liễu và than thở, chị làm công việc nội trợ hằng ngày không thấy mệt mỏi gì nhưng rất khó chịu bởi bàn tay lâu lâu nổi mụn nước. Chẳng hạn, tối hôm trước chị rửa chén đĩa thì sáng hôm sau tay nổi mụn nước. Đó là các mụn nước nhỏ li ti, trong suốt, làm chị ngứa ngáy. Nếu để yên trong vài ngày thì nó xẹp xuống và bong vảy, nếu bóc lớp vảy thì có một ít nước đặc chảy ra, còn để nguyên thì không lâu sau làn da trở lại bình thường. Nhưng những khi ngứa quá, chị lấy kim chọc cho nó chảy nước ra thì lập tức vùng mụn nước bị chảy máu và hôm sau mọc thêm những nốt mới. 

Bệnh dị ứng và tái phát

Bệnh tổ đỉa tuy không trầm trọng nhưng gây bất tiện cho sinh hoạt của người bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Bá Long (chuyên khoa Nội khoa và da liễu) cho biết, y văn gọi đây là bệnh chàm eczema. Bệnh do dị ứng chứ không phải tự phát như nhiều người vẫn nghĩ.

Nguyên nhân gây bệnh liên quan đến yếu tố dị ứng. Tùy cơ địa, có người bị nổi mụn nước do uống thuốc, thức ăn (các loại hải sản, thịt bò). Những công nhân làm việc trong môi trường có nhiều dung môi, mạt gỗ, bụi từ vật liệu xây dựng... cũng thường bị mắc bệnh.

Mụn nước thường nổi ở bàn tay (có xuất hiện ở chân nhưng không phổ biến) do tiếp xúc tại chỗ với các loại hóa chất có tính kích ứng mạnh như xà phòng, hóa chất, mỹ phẩm. 

 Tuyệt đối không làm vỡ các mụn nước, vì điều làm này tạo điều kiện cho các bệnh cơ hội phát triển

BS. Huỳnh Bá Long, Chuyên khoa nội khoa và da liễu

Bệnh chỉ gây triệu chứng ngứa ngáy khó chịu. Nhưng phải kiên nhẫn, tuyệt đối không bằng mọi cách làm bể các mụn nước. Nếu làm bể chúng sẽ gây nhiễm trùng cơ hội (vì bản thân bệnh không do nhiễm trùng) tạo điều kiện cho các vi khuẩn thâm nhập vào vùng bị tổn thương, gây ra các bệnh khác. Lúc đó, khu vực có mụn nước sẽ thêm đau nhức, chảy mủ, máu, sưng đỏ.

Kiêng cữ là chính

Nếu bệnh nhân cứ để yên và không đến bác sĩ hoặc không tích cực tìm hiểu và phòng tránh các nguyên nhân gây dị ứng, bệnh có xu hướng tái phát.

Cách điều trị, theo bác sĩ Long, kiêng cữ là chính. Khi tiếp xúc với vật gây nổi mụn nước (như xà phòng rửa chén chẳng hạn) thì sau đó tránh xa chúng ra, hoặc hạn chế tiếp xúc bằng cách mang găng tay khi rửa chén. Tùy cơ địa mỗi người nên vật dị ứng sẽ khác nhau.

Tránh biến chứng bằng cách không cào gãi, tuyệt đối tránh  tác động vào mụn nước.

Dưới đây là toa thuốc của bác sĩ Huỳnh Bá Long: Thoa thuốc tại chỗ như loại  TRIDERM Cream, thoa 2-3 lần/ngày.

Nếu ngứa ngáy nhiều thì dùng thuốc uống là TELFAST (180mg) với liều dùng 1 viên/lần/ngày, trong 3 đến 5 ngày.

Một số trường hợp sau khi điều trị bằng thuốc kem hoặc uống mà không hết thì bác sĩ cho dùng loại xà phòng đặc dụng, giúp bệnh nhân sử dụng thay thế các loại xà phòng bình thường khác.

Nên mang găng tay khi làm việc có tiếp xúc với bất cứ loại xà phòng, hóa chất nào. Tránh tiếp xúc với các loại xà bông có tính tẩy rửa mạnh - pH quá cao (ba-zơ mạnh).

Ngoài ra, nên giữ tay luôn khô ráo. Giữ ẩm lòng bàn tay bằng các thuốc có chứa urea. Nếu vùng da bị vỡ nước nên lau khô và băng bằng gạc mỏng để tránh các bệnh cơ hội.

Đông y

Theo đông y sĩ Kiều Bá Long, có một số bài thuốc dân gian để chữa bệnh tổ đỉa, tùy cơ địa, mỗi người lựa chọn cách phù hợp:

- Lá trầu không vò nát, 20gr phèn chua, đun lên. Tay rửa sạch, lau khô. Rửa ngày 3 lần khu vực nổi mụn nước. Nếu không có thời gian, có thể chọn lá trầu tươi, mang theo vào công sở, khi nào rảnh thì xát lên bàn tay bị bệnh.

-  Trong trường hợp ngứa nhiều, có thể áp dụng phương pháp xông bằng thương truật (mua ở hiệu thuốc đông y). Đốt nóng thương truật bằng bếp than như nướng bồ kết, hơ tay (hoặc chân) bị mụn nước lên phía có khói. Xông 5 - 7 phút. Mỗi ngày/lần.

Trúc Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.