Chớ lạm dụng truyền dịch!

21/03/2010 21:24 GMT+7

Nhiều người cứ thấy cơ thể mệt một tí là đi truyền dịch, vì nghĩ rằng, dịch truyền là “đại bổ”. Tại TP.HCM vừa xảy ra vụ tai biến chết người do truyền dịch đầu tháng 3 vừa qua.

Không nên hiểu sai

Tại bệnh viện, dịch truyền dùng để điều trị hoặc hỗ trợ điều trị trong các trường hợp bệnh tật cần thiết. Nhưng, trong dân gian, rất nhiều người nghĩ rằng, dịch truyền là thuốc “đại bổ”,  nên khi thấy người mệt mệt là đến các phòng mạch yêu cầu được truyền dịch cho... khỏe!

Truyền dịch là từ chuyên môn, trong dân gian người dân gọi là truyền “nước biển”, và nhiều người rất khoái truyền. Cần hiểu rằng, dịch truyền mặn là huyết thanh sinh lý có hàm lượng hoạt chất là muối clorua natri với tỷ lệ 0,9%, có vị hơi mặn, được dùng trong các trường hợp cơ thể mất nước và mất muối. “Nước biển” ngọt là dịch truyền glucoz với hàm lượng 5%, 30%..., được dùng khi cơ thể mất nước không mất muối. Còn “nước biển” khô là chỉ gói Oresol pha vào nước để uống bù nước trong các trường hợp bị tiêu chảy hoặc sốt mất nước. Ngoài ra, còn có dịch truyền lactat ringer chứa các chất điện giải, dịch truyền natrium bicarbonat, dịch truyền cao phân tử như dextran 70 dùng thay thế huyết tương để điều hòa thể tích tuần hoàn máu, dịch truyền huyết tương khô điều trị cấp cứu khi mất máu, và các loại dịch truyền chứa đạm dạng acid amin được dùng trong trường hợp không ăn uống được hoặc suy dinh dưỡng...

Sốc rất nguy hiểm

Nhiều người đâu biết rằng, shock (sốc) “nước biển” tuy không gặp nhiều, nhưng khi đã sốc, thì việc cứu chữa sẽ không kịp, sợ nhất là xảy ra tại các phòng mạch, nơi không có phương tiện cấp cứu như ở bệnh viện. Do đó tử vong do truyền dịch là chuyện khó tránh khỏi, nếu việc cấp cứu chậm trễ.

Khi truyền dịch, hiện tượng dị ứng thuốc có thể xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức, mức độ như: nếu nhẹ thì nổi mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp, khó thở do khí phế quản bị co thắt, hoặc co thắt nôn mửa. Nặng hơn thì có thể gây viêm kết mạc chảy mủ, phù mí mắt, xuất huyết dưới kết mạc, làm viêm quy đầu, viêm niệu đạo, âm hộ. Nặng nhất là sốc thuốc - còn gọi là choáng phản vệ, xảy ra rất nhanh sau khi tiêm truyền, người bị khó thở, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngay cả thuốc được xem là "hiền" như vitamin B1 tùy cơ địa dị ứng cũng có thể gây sốc thuốc cho những người mẫn cảm với nó.

Do vậy, việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế - nơi có đầy đủ  phương tiện cấp cứu là tốt nhất, hạn chế tối đa việc truyền “nước biển” tại các phòng mạch; không được lạm dụng truyền dịch nếu không cần thiết.

Dược sĩ Trương Tất Thọ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.