Viêm xoang tránh xa khói bụi!

21/03/2010 10:59 GMT+7

(TNTT>) Ô nhiễm môi trường không chỉ làm hại đến "sức khỏe" của hành tinh xanh mà đi kèm theo đó là sự gia tăng của nhiều bệnh, trong số đó, viêm xoang là một đại diện điển hình.

Nhiều năm gần đây, cùng với đà đô thị hóa và mức độ "đậm đặc" của khói bụi từ những khu công nghiệp, từ lưu lượng xe "nhìn đâu cũng thấy kẹt" là số lượng bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa Tai mũi họng vì bệnh viêm xoang (niêm mạc trong xoang bị viêm) ngày một đông hơn.

Nguyên nhân hàng đầu: ô nhiễm môi trường

Theo BS. Nguyễn Hải Tùng, Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Triều An, trong số những nguyên nhân bên ngoài dẫn đến bệnh viêm xoang, phổ biến nhất là không khí ô nhiễm tại các đô thị lớn, các khu công nghiệp nhiều nhà máy… Môi trường không trong lành làm vùng xoang mũi dễ bị dị ứng, hoặc bội nhiễm. Tiếp đến là do tiếp xúc, chẳng hạn như khi bơi lội tại những hồ bơi có chất lượng nước không đảm bảo, những người có bệnh lý tiềm ẩn về vách ngăn hoặc có cơ địa dị ứng thì khi tiếp xúc với nước dơ thường xuyên cũng sẽ gây nên viêm xoang.

Bội nhiễm từ những đợt cảm cúm cũng là một nguyên nhân bên ngoài khác. Khi bị cảm cúm, cơ thể nhiễm siêu vi, gây chảy mũi, kết hợp với không khí dơ, khói bụi và vi trùng, từ viêm mũi sẽ chuyển đến viêm xoang theo đường tự nhiên vì xét về giải phẫu học, mũi và xoang thông nhau bằng những lỗ thông.

- Nếu bị viêm xoang do điều kiện nghề nghiệp (làm việc ở xưởng mộc, cơ sở sản xuất hóa chất, công trường xây dựng…) và bệnh không thuyên giảm hoặc hay tái phát thì xin chuyển sang làm việc ở bộ phận khác là giải pháp duy nhất.

- Cần tránh những nơi nhiều khói bụi và nên đeo khẩu trang khi ra đường.

- Nếu thuận tiện, nên sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt để hạn chế một phần ảnh hưởng ô nhiễm không khí.

Một số nguyên nhân bên trong thường gặp là viêm xoang do sâu răng; viêm xoang do sau chấn thương, máu tụ trong xoang; ở trẻ em có thể do bị viêm a-mi-đan gây nhiễm trùng… Ngoài ra còn có những nguyên nhân tự nhiên như người có cơ địa bệnh lý về polip, niêm mạc thoái hóa tạo thành khối polip (khối u lành tính) trong mũi, trong xoang, dẫn đến viêm xoang do polip.

Xét về thời gian, viêm xoang chia làm hai loại: cấp tính và mạn tính. Viêm xoang cấp tính thường ban đầu do siêu vi (cảm cúm), sau đó bị bội nhiễm, nếu điều trị đúng cách có thể khỏi hẳn sau 1-2 tuần. Viêm xoang mạn tính phức tạp hơn vì thường tái phát, khó điều trị dứt điểm. Nguyên nhân thường trên nền dị ứng, do ô nhiễm môi trường, khí hậu có nhiệt độ thay đổi. Một trường hợp rất hay gặp là bệnh nhân làm việc trong phòng máy lạnh, mũi phải điều tiết với không khí lạnh, khi bước ra ngoài, trời nóng, mũi lại phải điều tiết, khiến cho tình trạng dị ứng không thuyên giảm.

Triệu chứng và điều trị

Để phân biệt giữa sổ mũi, nghẹt mũi khi bị cảm cúm thông thường với tình trạng mũi "tắc nghẽn" do viêm xoang, BS. Hải Tùng đưa ra một số yếu tố sau: nếu chỉ bị cảm cúm, bệnh nhân sổ mũi nhiều nhưng nước mũi thường trong còn viêm xoang, bệnh nhân có nước mũi đặc, kèm triệu chứng nhức mũi, nhức một hoặc hai bên xoang (xoang hàm và xoang sàng dễ bị nhức nhất, còn xoang trán và xoang bướm thường sẽ nhức khi bệnh kéo dài), cảm thấy nặng ở mũi, đôi khi nghe khó…

Cả viêm xoang cấp tính lẫn mạn tính đều có thể nhẹ hoặc trở nặng, tùy theo diễn biến của bệnh. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần uống thuốc kháng viêm, kháng dị ứng, kèm theo dùng thuốc xịt mũi để làm loãng chất nhầy, trôi bợn dơ, giúp mũi thông thoáng. Nếu bị nặng (kéo dài, các triệu chứng diễn ra thường xuyên…) cần đến khám chuyên khoa Tai mũi họng để được rửa xoang, hoặc nếu cần sẽ phẫu thuật nội soi để lấy mủ ra khi điều trị không hiệu quả.

Không điều trị đúng phương pháp và kịp thời bệnh viêm xoang có thể đưa đến những biến chứng rất nghiệm trọng như viêm tắc nghẽn mô quanh vùng mặt, viêm tắc tĩnh mạch xung quanh (tĩnh mạch hang), có thể làm mù mắt…

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.