Ngay với cái tên chủ đề của cuộc tọa đàm “Văn học trinh thám có phải là văn học?” cũng đã có bạn đọc nóng lòng tham gia góp ý, cho rằng “nếu đã khẳng định là văn học rồi thì đâu cần phải hội thảo nữa?”. Nói thế để biết tuy là một phạm vi của văn chương nhưng dường như đề tài trinh thám, đường rừng, mạo hiểm… đang thu hút rất nhiều bạn đọc hôm nay. Với mười câu hỏi chúng tôi đưa ra phỏng vấn tại chỗ thì hết chín câu trả lời là rất thích thể loại này vì yếu tố “hấp dẫn, kịch tính” của nó.
Không nên áp đặt
Thực ra có cảm giác hội thảo hơi nôn nóng muốn khẳng định giá trị văn chương của một thể loại: sách trinh thám mang tính văn chương hay giải trí nhiều hơn? Thật ra, sách được đọc, phổ biến nhiều chưa hẳn là giá trị vì tính phổ quát đại đồng của nó đã tự “cào bằng” một số “đỉnh” mà đáng lẽ nó nên giữ. Trinh thám lại càng đặc biệt hơn khi tự chọn cho mình con đường “đánh” vào điểm yếu của tâm hồn: thích mạo hiểm, phiêu lưu, tìm kiếm sự mới lạ, lật tẩy “bí mật”, bảo vệ cái tốt, diệt trừ cái ác. Nói chung là có yếu tố dẫn dụ, câu khách. Vì thế sẽ có nhà văn viết trinh thám vượt lên trên yếu tố kể một câu chuyện mà cũng có người kém tài ở phía dưới câu chuyện đó. Vì thế đặt định văn chương hay không cho nó là rất khó. Nếu không muốn nói là gượng ép.
Nhà văn dịch giả Nguyễn Minh Hoàng, một tên tuổi kỳ cựu, có hơn nửa cuộc đời đọc và dịch thể loại sách trinh thám dùng hình ảnh thật đắt: “Làm sao không mê? Đọc và hồi hộp như quả bom nổ chậm”. Ông nói về thám tử Sherlock Holmes của Conan Doyle làm say lòng bao người thế hệ ông. “Gần một nửa thế kỷ tôi đọc Sherlock Holmes. Đến giờ tôi vẫn mê man với cảm xúc đó”. Văn chương giá trị tự thân nó nói lên hiệu ứng. Trường hợp Conan Doyle là một ví dụ thực tiễn.
|
Văn học trinh thám Việt Nam
Nhà báo Yên Ba trình bày khá súc tích và kỹ lưỡng một nghiên cứu công phu của anh về đường đi của văn học trinh thám VN. Anh cho biết VN đã xuất phát văn học trinh thám từ rất sớm với các tên tuổi các nhà văn Phạm Cao Củng, Thế Lữ…Hai nhân vật “thám tử Kỳ Phát” hay “ký giả Lê Phong” của hai ông đã làm say mê người Bắc Hà một thời. Anh cũng đánh giá cao nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết Ván bài lật ngửa của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý và Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai. “Đó là những yếu nhân có thật qua văn chương hiện đại đã trở thành những nhân vật bất tử”.
Văn học trinh thám bây giờ không còn thuần một nghĩa như xưa mà trải rộng, bao quát nhiều đề tài, lĩnh vực chi phối con người hiện đại. Gần đây, Di Li và một số nhà văn trẻ VN khác đang rất hứng thú với đề tài này. Trại hoa đỏ, tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li đã mang đến cho bạn đọc nhiều ngạc nhiên và hứng thú, như một độc giả nhận xét "còn hay hơn một số truyện trinh thám nước ngoài". Xu hướng các nhà văn VN thể nghiệm đề tài trinh thám rất đáng khuyến khích trong quá trình văn chương Việt hòa nhập nhiều phương diện với thế giới.
Những gương mặt trinh thám hiện đại
Những năm gần đây, dịch giả Cao Việt Dũng, người đại diện và thành lập tủ sách trinh thám Nhã Nam đã giới thiệu cho khán giả một bản đồ văn học trinh thám hiện đại như James Patterson, Henming Mankell, Fred Vargas, Dennis Lehane, Lee Chid và Micheal Connelly. Họ đều là những tác giả có sách bán chạy nhất thế giới đồng thời tạo được dấu ấn rất riêng trong địa hạt văn chương trinh thám hơn chục năm qua. Ba đầu sách trinh thám mới nhất của các tác giả trên được giới thiệu với độc giả VN là Bầy chó Riga (Henming Mankell), Việc máu (Micheal Connelly) và Ma sói (Fred Vargas).
Buổi hội thảo khép lại với một số vấn đề còn để ngỏ nhưng ít nhất trong lòng người tham dự đã gợn lên một ý niệm phải chăng đã đến thời hoàng kim của dòng văn học trinh thám?
Họ đã nói gì về văn học trinh thám? Đông Dương |
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Bình luận (0)