Hãng tin AFP vào hôm 21.3 dẫn thông báo từ Tập đoàn General Motors (GM) của Mỹ cho biết họ sẽ thu hồi 58.696 chiếc xe hơi do tập đoàn con GM Daewoo tại Hàn Quốc sản xuất. Theo thông cáo thì số xe này bị lỗi kỹ thuật ở bộ phận lái, ghế ngồi và ống dẫn nhiên liệu. Chương trình thu hồi sẽ bao gồm một số loại xe được bán ở Hàn Quốc và một số nước khác, nhưng đại diện hãng không nói rõ là những nước nào.
Số xe mắc lỗi kỹ thuật được thu hồi trong đợt này bao gồm 45.957 chiếc Winstom, 12.604 chiếc Lacetti Premiere và 135 chiếc Damas. Ở các thị trường ngoài Hàn Quốc, Winstom được biết đến với tên gọi Chevrolet Captiva, còn Lacetti Premiere là tên gọi ở thị trường Hàn Quốc của xe Chevrolet Cruze. Damas thuộc dòng xe khách siêu nhỏ 7 chỗ ngồi.
Trước khi GM có thông báo trên, giới chức Trung Quốc cũng đã ra lệnh thu hồi và ngừng nhập xe Chevrolet Captiva từ Hàn Quốc. Báo People’s Daily hôm 15.3 cho hay Tổng cục Kiểm dịch, Thanh tra và Giám sát chất lượng Trung Quốc đã yêu cầu thu hồi 2.065 xe Captiva do lỗi ở bộ phận lái, có thể dẫn tới hiện tượng lạc tay lái khi xe chạy tốc độ cao. Hiện nhà chức trách Trung Quốc đang xem xét khả năng kiểm tra các loại xe khác của GM Daewoo.
Thông báo thu hồi của GM là sự kiện mới nhất trong “cơn bão” thu hồi ô tô vì trục trặc kỹ thuật của hàng loạt nhà sản xuất khổng lồ trên thế giới. Nghiêm trọng nhất là trường hợp của Toyota, hãng ô tô lớn nhất hành tinh. Tập đoàn danh tiếng của Nhật Bản đã phải mở đợt thu hồi chừng 8,5 triệu xe do các lỗi ở bộ phận chân ga, thảm lót, phanh... Đối tượng thu hồi bao gồm những sản phẩm rất thông dụng như Camry, Corolla, xe thượng lưu như Lexus hay loại xe được coi là bước đột phá về công nghệ như Prius. Tại Mỹ, đã có hơn 30 cái chết do tai nạn giao thông được cho là liên quan tới các khiếm khuyết của xe Toyota. Một số đơn kiện của nạn nhân đã được nộp lên các tòa án Mỹ.
Tiếp theo Toyota, một hãng tên tuổi khác là Honda cũng “gia nhập cuộc đua thu hồi”. Hồi tháng 2, đại gia này thông báo sẽ thu hồi 437.000 xe hơi vì lỗi ở bộ phận túi khí. Đến tháng 3, Honda lại tiếp tục thu hồi 412.000 xe, gồm Odyssey và Element, vì lỗi ở bộ phận phanh. Một hãng trứ danh khác của Nhật Bản là Nissan hồi đầu tháng 3 cũng công bố kế hoạch thu hồi 540.000 xe (Titan, Armada, Frontier, Pathfinder, Quest, Xterra và Infiniti QX56). Các loại xe này bị lỗi ở phanh, khiến đôi lúc phanh mất tác dụng, và bộ phận điều tiết nhiên liệu. Trước đó, hồi tháng 2, Nissan cũng đã thông báo thu hồi 76.415 xe vì lỗi kỹ thuật.
Chưa hết, vào tháng trước, hãng tin Reuters dẫn thông cáo của Suzuki Motor cho biết hãng xe lớn thứ tư Nhật Bản này cũng sẽ thu hồi 432.366 xe loại nhỏ sau khi có hai báo cáo về sự cố xe tự phát cháy mà người ta nghi ngờ liên quan đến trục trặc ở bộ phận điều hòa không khí. Hãng Daihatsu Motor cũng cho biết sẽ thu hồi 60.774 xe siêu nhỏ ở thị trường Nhật Bản.
Tại châu u, hãng Peugeot cũng đã “tham gia” đợt khủng hoảng với thông báo thu hồi khoảng 100.000 xe bị trục trặc kỹ thuật. Vào đầu tháng 3, sự kiện một người đàn ông lớn tuổi tại Cornwall (tây nam nước Anh) tử vong vì tai nạn xe hơi đã làm dấy lên những nghi ngờ liên quan đến lỗi kỹ thuật của xe. Theo BBC, sau khi nghe Peugeot thông báo về việc thu hồi xe, cụ Frank Beer đã lái một chiếc Peugeot 107 tới đại lý để kiểm tra thì gặp nạn.
Trong vài tháng trở lại đây, rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp xe hơi đã lần lượt thông báo thu hồi sản phẩm với số lượng lớn vì trục trặc kỹ thuật. Điều này đã tạo nên tâm lý cực kỳ lo ngại ở khách hàng. Thậm chí ngay cả việc thu hồi để khắc phục khiếm khuyết cũng chưa thực sự khiến khách hàng an tâm và chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Tại Mỹ, một số người sử dụng xe Toyota nói rằng họ vẫn gặp trục trặc khi điều khiển xe dù đã đưa tới đại lý để sửa chữa.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)