Bệnh tâm thần tăng cao

25/03/2010 14:01 GMT+7

Hiện nay, trong một tháng, số bệnh nhân đến khám tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM bằng số lượng cả năm trước đây.

“Tôi biết rất nhiều cái hay trong cuộc sống này. Cái hay của thơ ca là công cụ ca ngợi tình yêu, cái hay của toán học là tính quy tắc, quy luật”, khó ai có thể ngờ người nói như vậy lại là một bệnh nhân tâm thần nặng. Đó là anh Nguyễn Tuấn Bình, hiện đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TPHCM. Sau khi khoe với tôi về kiến thức của mình, anh lại phán một câu xanh rờn: “Tôi đã gửi thư cho các lãnh đạo để yêu cầu lưu giữ những câu mà tôi vừa nói!”. Bác sĩ điều trị của anh Bình còn cho biết thỉnh thoảng, anh bảo mình “đang đầu tư vào một cuộc chơi quá lớn với số tiền hàng ngàn tỉ đô la”! Trong khi đó, sau khi kết thúc cuộc nói chuyện với tôi, anh Bình lại gợi ý: “Chú có tiền không cho anh xin 10.000 đồng để mua nước ngọt uống cho vui”!

Do cuộc sống căng thẳng

Tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TPHCM, tôi gặp khá nhiều người trẻ mà trước đây họ là công nhân ở các công ty, KCN. Điển hình là anh Nguyễn Đạt Vinh, nhà ở quận 9- TPHCM. Sau nhiều ngày điều trị thần kinh, tâm thần của anh Vinh đã khá ổn. Anh Vinh nói rành mạch: Sở dĩ thần kinh của em có vấn đề là do em làm việc quá căng thẳng. Công ty của Vinh chuyên sản xuất đồ nhựa. Vinh phải thường xuyên làm việc trong môi trường xấu, luôn bị những người quản lý quát tháo, nặng lời. “Vào đây điều trị, nhiều khi nghe ai đó nói lớn tiếng là em sợ lắm”- Vinh bộc bạch.

Bác sĩ điều trị của Vinh cho biết hiện Vinh có thể về nhà. Tuy nhiên, do sợ người nhà không biết cách chăm sóc, khơi lại những ám ảnh của Vinh thì bệnh sẽ trở nặng. Cùng cảnh ngộ với Vinh, chị Phạm Thị Hai, một bệnh nhân lưu trú tại trung tâm này, kể với tôi trước kia chị sống ở Quảng Ngãi. Như những người bình thường khác, khi vào TPHCM làm công nhân, chị Hai đã không còn bình thường nữa.

Trước cổng Bệnh viện Tâm thần TPHCM, tôi bần thần khi bắt gặp hình ảnh một người vợ cầm tay chồng bước xuống taxi. Ánh mắt người chồng ngây ngô, đầu tóc rối xù. Tôi hỏi thăm thì người vợ cho biết: Chồng chị hóa rồ do thua chứng khoán. Theo lời người vợ, lúc trước chồng chị kinh doanh nhà đất, khi thị trường này đóng băng, chồng chị bị stress nặng. Bây giờ lại thất bại trên thị trường chứng khoán nên bệnh chồng lên bệnh.

Mới đây, một cảnh sát khu vực và hai dân  phòng phường 2, quận 10-TPHCM phải rất vất vả mới “áp tải”  được một thanh niên ăn mặc hết sức “thời trang” ra khỏi địa bàn. Bộ trang phục mà anh choàng lên người đầy màu sắc và được tỉa tót, nhấn nhá theo phong cách ăn mặc của một số ca sĩ lập dị khi lên sân khấu. Vừa đi trên đường anh thanh niên này vừa cầm kéo múa lả lướt, thậm chí còn múa võ để dọa một... thùng rác. Một người dân nhìn cảnh tượng này thốt lên: “Chắc bị điên vì ham làm ca sĩ mà không được!”.

Quá tải bệnh nhân tâm thần

Gánh chịu nhiều sức ép

Những ngày thời tiết ở TPHCM nóng lên, số người đến phòng khám của bác sĩ Lê Quốc Nam (quận Bình Thạnh-TPHCM) nhờ tư vấn về tâm thần tăng lên đáng kể. Là người chuyên điều trị các bệnh tâm thần và các chứng rối loạn tâm lý, bác sĩ Nam cho rằng cuộc sống hiện nay, có quá nhiều căng thẳng, sức ép mà người dân ở TPHCM đang phải hứng chịu, chỉ cần gặp rắc rối nhỏ ngoài phố là họ bộc phát, nổi cáu.

Bác sĩ Nam kể về một bệnh nhân của mình. Cô này làm việc cho một công ty ở quận 1 nhưng nhà ở quận Gò Vấp. Công việc của cô có quá nhiều áp lực. Trong khi đó, hằng ngày, cô lại phải mất từ 2 đến 3 giờ để đối phó với dòng xe kẹt diễn ra mỗi ngày trên đường từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Nhà bệnh nhân này rộng không đến 20 m2. Đi làm về, vừa chạm cửa nhà đã nghe tiếng con khóc, tiếng chồng mắng mỏ vì chậm trễ chuyện cơm nước. Cứ thế cô bị rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh rồi cáu gắt.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần TPHCM khẳng định hiện nay, số bệnh nhân đến khám tâm thần ở bệnh viện này trong một tháng nhiều bằng cả năm so với cách đây 10 năm. Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết từ năm 2001 đến 2005, lúc ông còn là trưởng Khoa Khám bệnh của bệnh viện này, ngày cao nhất cũng chỉ có 70 bệnh nhân đến khám nhưng hiện nay, một ngày có khi hơn 400 người đến bệnh viện để điều trị bệnh tâm thần. Số lượng bệnh nhân tâm thần tăng theo từng năm. Mới nhất, năm 2008, bệnh viện này khám và điều trị cho khoảng gần 10.000 ca bệnh mới thì sang năm 2009 số ca bệnh mới đã tăng lên khoảng 12.000 người. Hiện nay, Bệnh viện Tâm thần đang quá tải. Bệnh viện này chỉ có thể điều trị nội trú cho khoảng 300 bệnh nhân nhưng hiện nay, số lượng này đã lên hơn 400.

Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần TPHCM nằm ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức cũng đang quá tải. Ông Nguyễn Văn Ngái, giám đốc trung tâm này, cho biết so với 5 năm về trước, số bệnh nhân vào trung tâm tăng lên chóng mặt. Theo thiết kế, số bệnh nhân nội trú của trung tâm này không quá 1.000 nhưng hiện nay, số điều trị nội trú đã lên 1.254 bệnh nhân. Hai năm 2008, 2009 trung tâm phải tiếp nhận hơn 600 ca mới.

Trong tổng số bệnh nhân ở trung tâm này thì có đến 70% bị bệnh tâm thần phân liệt. Một nửa số bệnh nhân của trung tâm là những người tâm thần đi lang thang được các địa phương trong TP đưa về đây. Do họ không còn nhớ bố mẹ là ai, địa chỉ ở đâu nên mặc dù trung tâm đã tìm nhiều cách để liên hệ với gia đình nhưng số bệnh nhân được đưa về nhà chẳng “thấm tháp” vào đâu so với lượng bệnh nhân mới vào. “Trung bình, trong 100 người bình phục có thể về nhà thì có 50 tái phát bệnh, phải vào lại trung tâm điều trị. Tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì số người bị rối loạn tâm thần càng tăng”- ông Ngái khẳng định.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.