Cắt bỏ khâu trung gian
Về hình thức, sàn giao dịch nông sản cũng giống như sàn giao dịch chứng khoán hay vàng ở VN. Giá cả được cơ quan chức năng thẩm định. Sản phẩm qua sàn phải được chuẩn hóa về chất lượng và số lượng nên nông dân bán nông sản qua sàn thường được giá cao hơn so với bán ra ngoài. Sàn giao dịch ở Úc, Thái Lan cũng tương tự nhau. Nông dân mang nông sản ra trưng bày, nếu nhà tiêu thụ nhận thấy sản phẩm đảm bảo sẽ làm đơn đặt hàng, ký hợp đồng để thực hiện. Tại Hà Lan, sàn giao dịch nông sản cũng là nơi những người trồng hoa tiêu thụ sản phẩm của mình.
Có thể nói, tất cả các loại nông sản như lúa, gạo, đậu, trứng, sữa, hoa, rau, củ... đều được giao dịch qua sàn. Sàn giao dịch nông sản ở các nước phát triển khác đã giúp cho nông dân tiếp cận thị trường, người mua trực tiếp nên giá sản phẩm cao hơn. Từ sàn, nông dân cũng tiếp cận thông tin thị trường nhanh hơn và nhận được phản ứng của thị trường đối với hàng hóa của mình một cách thực tế nhất để cải thiện sản phẩm... Thậm chí, sàn cũng là kênh thông tin để người nông dân biết, điều chỉnh về sản lượng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...
Tại Việt Nam, thời gian tới sẽ có một số sàn giao dịch nông sản ra đời. Đơn cử như sàn giao dịch điều của Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương tín (Sacom-STE) hoạt động vào tháng 7 tới. Trong khuôn khổ Lễ hội Quả điều vàng VN diễn ra từ ngày 20-23.3 tại tỉnh Bình Phước, Sacom-STE đã cho triển khai giao dịch thử nghiệm sản phẩm điều nhằm tạo tiền đề cho sự ra đời của Sàn giao dịch điều đầu tiên của VN.
Cũng trong tháng 4 sắp tới, sàn giao dịch đường Sacom-STE cũng chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến sẽ có trên 60 doanh nghiệp ngành đường tham gia giao dịch trên sàn số 25 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình (TP.HCM). Hàng hóa tham gia giao dịch sẽ đăng ký lưu trong số hệ thống 4 tổng kho do công ty quản lý.
Nông dân chưa thể tham gia
Việc ra đời các sàn giao dịch nông sản, thực chất là một tín hiệu tốt nhằm khắc phục kiểu mua bán truyền thống vừa rủi ro vừa mất thời gian, phần nào cũng hạn chế được tình cảnh “được mùa, mất giá” như lâu nay. Tuy nhiên, đối tượng chính của các sàn giao dịch vẫn là doanh nghiệp, còn nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm vẫn chưa thể đứng lên để chủ động “mặc cả” với bên thu mua.
Đối với sàn giao dịch điều, quy định đưa ra là bất cứ nông hộ trồng điều nào có diện tích từ 1 ha trở lên hoặc có sản lượng 1 tấn điều đều có thể tham gia sàn giao dịch và được hỗ trợ, tạo mọi điều kiện như doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là điều kiện quá khó đối với nông dân, bởi vì hiện tại các vườn điều đang rất manh mún, số nông dân sở hữu 1 ha điều với sản lượng 1 tấn hầu như không có. Chính vì vậy người trồng điều chỉ có thể hưởng lợi một cách gián tiếp từ các sàn giao dịch. Một khi giao thương xuất khẩu điều nhanh chóng hơn, minh bạch hơn, sản phẩm điều có giá hơn, thì người nông dân mới có thể nâng cao thu nhập.
Một nỗi lo nữa là không phải sàn giao dịch nào ra đời cũng thành công và mang lại hiệu quả. Điển hình như Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Mặc dù đây là một sàn giao dịch hiện đại với mô hình đấu giá khớp lệnh tập trung, công khai cho các tổ chức, đơn vị từ người sản xuất, chế biến đến kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng cà phê nhân theo mô hình hoạt động hiện đại phù hợp với xu thế và tập quán kinh doanh, mua bán, giao dịch trên thế giới. Tuy nhiên trung tâm này lại đang hoạt động trong tình trạng cầm chừng. Có thể thấy đánh giá rõ ràng nhất hiệu quả của BCEC qua đợt cà phê rớt giá gần đây. Mặc dù có sàn giao dịch nhưng nông dân không thể giữ được giá bán, trong khi lại đang mất mùa.
Những nông dân đã từng tham gia sàn giao dịch nông sản đều có chung nhận xét là không bằng bán cho đại lý, thương lái hay chợ đầu mối. Khi tham gia sàn giao dịch cà phê, nông dân phải có tối thiểu 5 tấn, trong khi lượng người trồng 5 tấn không nhiều vì diện tích cà phê trên đầu người hiện nay mới có 1,5 ha một người (khoảng 3 tấn). Một lý do nữa là mặt hàng cà phê chịu sự chi phối quá sâu của các nhà đầu cơ nước ngoài. Chính vì vậy, dù có sàn giao dịch điện tử nhưng nông dân và cả doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước vẫn phải chấp nhận một nghịch lý là người sản xuất không thể quyết định được giá hàng hóa của mình.
Theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), sàn giao dịch nông sản ở nhiều nước rất phổ biến, nhưng ở VN lại khó phát triển. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm do nông dân làm ra cần phải qua trung gian thu gom để đưa ra thị trường. Đơn cử như một vườn trái cây của một hộ dân ở ĐBSCL trung bình chỉ 0,7 ha, thậm chí trong một diện tích như vậy người dân có thể trồng nhiều loại cây trái khác nhau nên việc tham gia sàn giao dịch nông sản cũng rất khó khăn.
Ông Suwes Wangrungarun, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thì cho rằng, để làm được sàn giao dịch nông sản cần phải đầu tư xây dựng hệ thống kho tương đối tốt. Nông sản cần phải được lưu trữ, bảo quản để đảm bảo trong quá trình giao dịch. Trong khi kho bãi lại là điểm yếu của nông nghiệp VN. Ở VN, nông sản nằm trong dân nhỏ lẻ, người mua cũng không biết chất lượng, sản lượng như thế nào. Vì vậy, để sàn giao dịch nông sản ở VN được hoạt động mạnh mẽ và bền vững, tạo cơ hội tốt trong quá trình tiêu thụ sản phẩm của người dân, cần phải cơ cấu lại sản xuất, phát triển nguồn nguyên liệu, quy mô canh tác...
Khó nhưng không phải không thể. Đưa nông sản Việt lên sàn là con đường tất yếu để cuộc sống người nông dân đỡ vất vả, đỡ bấp bênh hơn
Quang Thuần - N.Trần Tâm
Bình luận (0)