Kỹ năng mềm chưa được quan tâm

27/03/2010 22:48 GMT+7

“Hơn 1.000 HS và SV năm 1 khi được hỏi thì 95% trả lời chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, 76,4% nói rất cần được tập huấn về kỹ năng sống...”.

Trên đây là kết quả một cuộc nghiên cứu được anh Quách Hải Đạt - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM, trích dẫn trong buổi tọa đàm “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho học sinh THPT” diễn ra tại TP.HCM.

Hồ Ngọc Hoàng Uyên (HS trường THPT Gia Định, TP.HCM) đã mang đến kết quả một cuộc khảo sát mini do chính em thực hiện với 100 bạn học sinh ở nhiều trường THPT tại TP.HCM. Trong đó có tới 62% chưa từng nghe nói đến những kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội; 39% cho rằng việc rèn luyện những kỹ năng trên là không quan trọng, không cần thiết; 90% chưa từng qua lớp rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội nào. Từ đó, Hoàng Uyên nhận định: “Nhiều bậc phụ huynh cũng không tạo điều kiện cho con em mình theo học các lớp này. Em cũng từng xin bố mẹ cho học lớp dạy về kỹ năng giao tiếp tại NVH Thanh niên TP.HCM, nhưng bố mẹ bảo: Con lên lớp 11 rồi, lo học, lo thi vào ĐH đã, rồi sau đó muốn học thêm gì thì học…”

Sắp tới, Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM sẽ cho ra mắt cuốn Cẩm nang những kỹ năng thực hành xã hội dành cho học sinh THPT nhằm hướng dẫn các bạn HS một số kỹ năng quan trọng như: giao tiếp, lắng nghe và phản hồi, quan sát và tự hoàn thiện bản thân, thuyết trình, tự học, tư duy sáng tạo, lựa chọn nghề nghiệp, ứng phó với những thay đổi trong cuộc sống...

Nhận định của Hoàng Uyên cũng trùng khớp với một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Qua cuộc khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ với 2.000 HS-SV cho thấy, các kỹ năng như: có cá tính, có khả năng lãnh đạo, biết làm việc độc lập và làm việc nhóm, biết tham gia các hoạt động xã hội… không được đánh giá cao. Hầu hết đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kiến thức (kỹ năng cứng).

Nhà trường được xem là môi trường thuận lợi để rèn luyện kỹ năng mềm cho HS, tuy nhiên nơi đây vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Huyền Trân (HS trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) cho biết: “Những năm gần đây, trường em đã đưa vào dạy các lớp về kỹ năng mềm như: tìm hiểu về tâm sinh lý lứa tuổi, kỹ năng giao tiếp… Tuy nhiên các lớp này còn ít và chỉ tập trung vào đầu năm học. Em nghĩ các lớp kỹ năng kiểu này cần được duy trì xuyên suốt trong năm học và được đưa vào chương trình học chính thức càng tốt”.

TS Nguyễn Kim Dung - Viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục cũng có cùng quan điểm: “Phụ huynh cũng phải hiểu rằng, kiến thức có thể học từ rất nhiều nguồn và học cả đời, tuy nhiên, hành vi ứng xử, nhân cách con người được hình thành từ lúc trẻ, và càng lớn con người càng khó thay đổi. Chính vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu, khuyến khích con em học kiến thức, phụ huynh cũng nên khuyến khích các em tham gia các công tác xã hội, đoàn thể”.

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.