Người đẹp và những "sợi xích" văn chương

29/03/2010 11:28 GMT+7

(TNTT>) Tại sao thói đời vẫn thường dè bỉu, xét nét, soi mói hay không tin vào những người đẹp viết văn? Họ cũng có quyền viết và cũng có thể viết hay như bất cứ một người bình thường nào khác với giấc mộng văn chương. >> Khi người đẹp viết

Không đợi đến ca sĩ Lê Kiều Như ra mắt Sợi xích mới gây sốt và nóng trong dư luận bởi nếu bạn bình tâm nhớ lại cách đây vài năm khi diễn viên Lê Vân ra mắt tự truyện Yêu và sống cũng đã tanh bành “khói lửa". Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau nếu các nhà chuyên môn đặt những lăng kính, cách nhìn về văn phong, thể loại, vốn sống, cách viết… nhưng đã có một điểm chung: Họ điều là những người đẹp viết văn. Từ lâu, dường như đã có một cách nghĩ ăn sâu vào thói quen thâm căn cố đế: Người đẹp còn viết văn làm gì? Đẹp thì hiển nhiên rồi! Viết văn làm gì, rách việc! Muốn lấy hết “của trời” chắc?

Cần một cái nhìn công bằng hơn

Nếu bạn chấp nhận vế một của luận đề trên thì cũng có nghĩa tồn tại đã một vế thứ hai ngược lại: Chỉ có đàn bà xấu mới được quyền viết văn ư? Cũng có nhiều người đồng tình cách nhìn này vì cho rằng những nữ nhà văn thật của chúng ta văn hay thì thường… không đẹp. Như là luật bù trừ của trời cho. Tuy nhiên, quan niệm đó sẽ rất ấu trĩ, dễ đổ vì bản thân một tác phẩm, một chỉnh thể văn học để trên bàn, cầm trên tay vẫn là điều quyết định. Vì thế, văn của người đẹp viết như thế nào cần một cái nhìn công bằng và độ lượng, bởi điều ấy chỉ có lợi cho độc giả, cho người thưởng thức.

Báo chí gần đây cũng đã xuất hiện nhiều tuyên bố của các người đẹp viết văn như hoa hậu Hà Kiều Anh, người mẫu Trúc Diễm, diễn viên Phi Thanh Vân. Và cũng còn nhiều tham vọng văn chương thầm lặng khác của các ngôi sao, người của công chúng trong làng giải trí. Trong thế giới xa hoa, nhiều cám dỗ của ánh đèn và danh vọng này,  những hé lộ của nó bao giờ cũng gây tò mò, hấp dẫn người đọc. Và những người đẹp nổi tiếng đằng sau “nhan sắc” và những trả giá “kinh hoàng” từ nỗ lực tập luyện đến “thời thế thế thời phải thế” cho sự thành công kia chắc chắn bao giờ cũng là một đề tài hay. Vậy tại sao họ không được viết hay phải chịu sự dè bỉu, thiếu khách quan khi dư luận biết họ cầm viết?  

Nghề chơi cũng lắm công phu

Nói gì thì nói, viết văn đâu có “dễ ăn”. Với cách chụp bắt nôn nóng, cách sống gấp sống vội, việc đầu tư chiều sâu văn hóa từ công việc đọc sách (nói không quá, cầm quyển sách dày cỡ 200 trang lên tay đã buồn ngủ) như các người đẹp diễn viên ta hiện nay thì việc dám viết một cuốn sách quả là một kỳ công. Còn vấn đề font chữ có kéo giãn ra “hơn to” và cuốn sách có độn thêm “ít nhiều hình ảnh” thì xin lỗi, hình như cũng chỉ đóng vai phụ. Và thế giới văn chương cũng có rất nhiều con đường để khởi hành để đi tới, từ bình dân, giải trí, câu khách, thương mại đến văn chương đích thực.

Mỗi con đường có cái hay, sức quyến rũ riêng để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe cho mỗi thành phần bạn đọc của chính mình. Cũng không nên đặt lại chuẩn của Nhà xuất bản - đơn vị cấp giấy phép, là câu khách rẻ tiền mà nên đọc thẳng vào văn bản của cuốn sách. Bởi không ít những người nổi tiếng thích một cuốn sách nào đó và cho rằng đây là một cuốn sách khá đối với người viết trong một giới nào đó. Nên chăng cần cái nhìn độ lượng, thiện chí hơn và hãy đo chiều dài con đường bằng bước chân chứ không phải sợi xích dưới chân.

* Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Văn chương không thuộc về sự độc quyền của bất cứ ai cả. Ai có sự đam mê, có tài năng, có nhu cầu trở thành tác giả thì người đó sẽ thành nhà văn. Như vậy người đẹp từ sân khấu, màn ảnh nhảy sang lĩnh vực viết văn cũng chẳng khác gì người công nhân, nông dân, bộ đội, công an, doanh nhân, họa sĩ, nhạc sĩ... một ngày đẹp trời nào đó bỗng nổi hứng viết văn làm thơ. Chỉ có điều, văn chương có nhiều loại, có loại để đọc và có loại chỉ để dành cho sự thờ ơ và ghẻ lạnh. 

* Nhà văn Cấn Vân Khánh: Tôi nghĩ viết văn là quyền của mỗi người, chẳng nên lấy đó làm ngạc nhiên hoặc lôi ra để chế giễu khi những người đẹp từ sân khấu, màn ảnh viết hoặc ấp ủ ý định viết một cái gì đó.  Ít nhất thì chúng ta cũng nên ghi nhận tinh thần  hướng đến văn học của họ. Còn việc tác phẩm của họ ra đời được đón nhận hay không lại là việc khác vì ngay cả các nhà văn còn có những tác phẩm chưa hay. Viết dở sẽ gặp phản ứng không tốt, viết hay sẽ được độc giả đón nhận thôi.

* Nhà văn - nhà báo Phạm Phong Điệp (Báo Văn Nghệ Trẻ): Quan niệm của tôi, văn chương là một lĩnh vực đòi hỏi sự nghiêm túc (xét về thái độ) và nghiêm khắc (xét ở góc độ lao động nghề nghiệp). Vì vậy những ai xác định đến với văn chương như một trào lưu thời thượng để đánh bóng tên tuổi, để nhanh nổi tiếng... thì có lẽ họ đã lựa chọn sai lầm rồi.

* Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: Thời gian qua có một số bài viết nặng nề, đầy ác ý, nếu không muốn nói là quá tay về cuốn Sợi xích, qua đó cũng chỉ trích can dự vào đời sống riêng tư của chúng tôi. Việc đó chẳng đặng đừng buộc tôi và Lê Kiều Như đã phải đến một số tòa soạn đã đăng bài xin được tiếp xúc nói lại cho rõ. Tôi muốn nói là nhiều tác giả viết bài nhưng hoàn toàn chưa đọc tác phẩm hay chỉ nghe qua nghe lại rất sơ sài. Nhiều người vẫn nhầm lẫn hay đánh đồng cuốn sách bằng những hình ảnh phồn thực trước đó. Sách và ảnh hoàn toàn khác nhau, mang tải những thông số khác nhau. Tôi nghĩ, nên chăng cần một cái nhìn khách quan hơn từ vấn đề này để những cuốn sách về sau, nếu có, của các người đẹp trong thế giới giải trí viết không còn bị định kiến nữa.

Ngọc Bi

Ý kiến...

(Nhân đọc bài Khi người đẹp viết)

* Một lần, được hầu chuyện một nhà văn có tiếng trong nước, ông nói rằng ở nước ngoài, viết văn là một nghề sang trọng, nhà văn là những người được xã hội trọng vọng, bởi trân trọng xã hội nên họ khát khao viết nên những tác phẩm để đời cho xã hội chứ không phải vì để tự đánh bóng tên tuổi bản thân họ. Sự nổi tiếng từ tác phẩm sau đó mới đem lại  sự nổi tiếng cho bản thân nhà văn, sự thành công của tác phẩm đương nhiên sẽ đem lại những giá trị vật chất xứng đáng cho những giây phút hoạt động thăng hoa của nhà văn. Bởi vậy cho nên, có cảm giác rằng những nhà văn càng tên tuổi, càng ít viết và… vắng bóng. Dù cho bút lực họ vẫn dồi dào, cảm hứng văn chương vẫn dạt dào, uyên thâm và đằm thắm. Hỏi nhà văn này, sao ông chỉ viết cho một vài tờ báo (dù cho nhận được nhiều lời mời từ các tờ báo lớn, nhỏ), ông bảo ông không muốn viết nhiều, không muốn viết ra những điều tầm phào, viết ra những gì thuộc về văn chương thị trường. Cái ông muốn hướng đến qua những bài viết, những tác phẩm là những thông điệp rõ ràng và ông phải biết chắc rằng người đọc sẽ cảm thông và chia sẻ.

Nguyễn Phước (vinhphuoc,,,@gmail.com)

* Sách là một sản phẩm văn hóa và có tính trí tuệ cao. Nó không đơn giản như các bài hát hay phim, chỉ là loại hình giải trí thông thường nên khán giả có thể dễ dãi, chỉ cần người ca sĩ hay diễn viên có chút nhan sắc thì họ sẽ bỏ qua các tiêu chí nghệ thuật chất lượng khác và vẫn mua vé ủng hộ. Nhưng đối với sách thì hoàn toàn khác. Muốn độc giả bỏ tiền ra mua sách của mình thì đó phải thực sự là cuốn sách hay. Người ta đọc sách đa phần là chỉ nhìn trang sách và thẩm thấu con chữ, chứ có mấy ai quan tâm xem người viết nó có mặt tròn méo thế nào đâu.

Hoàng Quỳnh (hoangvietquynh...@yahoo.com.vn)

* Lê Kiều Như chưa thể được xem là người đẹp (về nhan sắc lẫn tài nghệ nói chung vẫn chỉ ở mức trung bình), vì thế mà phần đông khán giả, độc giả đều phản đối tác phẩm của cô ấy như là một sản phẩm vớ vẩn. Tôi nghĩ cô ấy nên dừng lại những chiêu thức lố bịch như thế. Tôi cũng hay khuyên các con ở nhà là đừng học đòi, bắt chước nông nổi từ những người như vậy..

le.huynh...@yahoo.com

+*Trong một chừng mực nào đó thì việc phân biệt giữa “người đẹp” viết và… “người không đẹp” viết là không nên. Tôi nghĩ khi đã viết sách thì ai viết cũng được, chỉ cần quan trọng là sách đó có nội dung đáng để đọc, và người ta sẽ gặt hái được gì sau khi đọc xong, có thể là kiến thức, vốn sống, hay tâm hồn được chia sẻ. Như thế mới gọi là sách. Có rất nhiều người không đẹp, không nổi tiếng nhưng sách của họ viết rất hay, nếu cứ nhấn mạnh yếu tố “người đẹp viết” thì tôi e sẽ có sự phân biệt. Các ca sĩ, diễn viên, người mẫu nếu viết tốt thì cứ để họ viết, chỉ cần đánh giá đúng, đừng tâng bốc quá mức mà cũng đừng dè bỉu quá tệ..

Nguyễn Thanh Phương (phuong.m....@gmail.com)

* Thời đại bây giờ, mọi thứ dường như đều phụ thuộc vào công nghệ quảng bá. Sách của Lê Kiều Như, nếu không được quảng bá rầm rộ, nếu không được các báo mạng đưa tin ầm ĩ thì chắc cũng chẳng đến mức được nhiều người tìm mua đến thế và cũng không “bị” vùi dập đến vậy. Tôi không phải người thích đọc những thể loại sách này, vì vậy chẳng phản đối và cũng chẳng thấy có gì phải ầm ĩ lên như vậy.

Thanh Phú (lethanh...@hotmail.com)

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.